Tuesday, January 28, 2014

Cái tôi và tự ngã (I)


Các hình trên thể hiện cho các giai đoạn tiến triển của sự phân tách cái tôi khỏi tự ngã xuất hiện trong quá trình trưởng thành tâm lý. Khu vực cái tôi bị gạch chéo là để chỉ phần cá tính của cái tôi còn đồng nhất với tự ngã. Dường nối trọng tâm của cái tôi tới trọng tâm của tự ngã thể hiện cho trục nối cái tôi và tự ngã - sợi dây liên kết trọng yếu giữa cái tôi và tự ngã nhằm đảm bảo cho sự hội nhập của cái tôi. Ta nên hiểu rằng các hình trên chỉ dùng để minh họa cho một khía cạnh nhất định, và do đó nó không chính xác trong các khía cạnh khác. Chẳng hạn, thông thường chúng ta hay định nghĩa tự ngã như là toàn thể tâm thức, trong đó tất yếu có cả cái tôi. Theo các hình này và theo phương pháp đang trình bày, cứ như thể là cái tôi và tự ngã lại trở thành hai thực thể tách biệt nhau, cái tôi là vòng tròn nhỏ, còn tự ngã là vòng tròn to toàn thể. Rắc rối này vốn có ngay trong chính vấn đề. Nếu về lý mà nói, chúng ta chắc chẳn phải phân biệt giữa cái tôi và tự ngã, điều này lại mâu thuẫn với định nghĩa về tự ngã của chúng ta. Sự thật là, khái niệm tự ngã là một nghịch lý. Nó đồng thời vừa là trung tâm lại vừa là chu vi của vòng tròn toàn thể. Coi cái tôi và tự ngã như hai thực thể tách biệt chỉ đơn thuần là phương tiện lý tính cần thiết để thảo luận về chúng. 


Hình 1 (H.1) tương ứng với trạng thái hỗn mang sơ khai của Neumann (1). Chưa có gì xuất hiện ngoại trừ tự ngã-viên mãn (2). Phôi thai của cái tôi mới chỉ xuất hiện ở dạng tiềm năng. Cái tôi và tự ngã là một, điều này có nghĩa chưa có cái tôi, Đây là trạng thái ban đầu khi cái tôi còn đồng nhất hoàn toàn với tự ngã.

Hình 2 (H.2) cho thấy cái tôi đang trồi lên, biểu thị cho sự bắt đầu tách biệt khỏi tự ngã nhưng trọng tâm và một phần lớn của nó vẫn còn đồng nhất với tự ngã. 

Hình 3 (H.3) trình bày cho ta thấy giai đoạn cao hơn của sự trưởng thành. Tuy nhiên, cái tôi vẫn còn đồng nhất một phần với tự ngã. Trục nối cái tôi và tự ngã trong hình 1 và 2 hoàn toàn vô thức, do đó không thể phân biệt với phần cá tính của cái tôi còn đồng nhất với tự ngã, giờ đã phần nào được ý thức.

Hình 4 (H.4) là một cực điểm lý thuyết lý tưởng có lẽ không tồn tại trong thực tế. Nó biểu thị cho sự tách biệt hoàn toàn của cái tôi khỏi tự ngẫ và trục nối cái tôi và tự ngã được ý thức trọn vẹn.

Các hình này được vẽ ra để minh họa cho luận điểm rằng sự trưởng thành tâm lý được đặc trưng bởi hai quá trình xảy ra đồng thời, ấy là sự tách biệt từng bước của cái tôi khỏi tự ngã và sự trồi lên bề mặt ý thức dần dần của trục nối cái tôi và tự ngã. Nếu đây là sự hình dung đúng thực tế, thì nó nghĩa là sự tách biệt của cái tôi khỏi tự ngã và ý thức tăng dần của cái tôi về sự phụ thuộc vào tự ngã là hai mặt của một tiến trình hiển lộ duy nhất liên tục từ lúc sinh ra cho tới khi chết đi. Mặt khác, các hình này cũng thể hiện sự hợp lý thông thường khi cho rằng: nhận thức về tính tương đối của cái tôi xảy ra vào nửa sau của cuộc đời. Nếu ta coi hình 3 tương ứng với với tuổi trung niên, ta sẽ thấy rằng chí tới giai đoạn này, phần trên của trục nối cái tôi và tự ngã mới bắt đầu trồi lên bề mặt ý thức.

Edward Edinger, Ego and Archetypes, pp.9-10
Đỗ Hoàng Tùng dịch

(1) Nguyên văn là “original uroboric state”.“Uroboric” ở đây là tính từ, bắt nguồn từ “uroboros”, danh từ Hy Lạp có nghĩa đen là con rắn tự cắn đuôi mình. Nó thường được dùng để biểu tượng cho vòng tuần hoàn, đặc biệt là những gì luôn tái tạo lại chính mình: sinh tử rồi tử sinh, hay vòng luân hồi vĩnh cửu. Erich Neumann, nhà tâm lý học theo trường phái Jung, sử dụng nó như là hình tượng của “trạng thái ban đầu” trước khi cái tôi được sinh ra, để diễn tả kinh nghiệm sơ khai vô phân biệt của toàn nhân loại cũng như từng đứa trẻ. 

(2) Nguyên văn là “Self-mandala”. “Mandala” là danh từ Phạn ngữ có nghĩa đen là vòng tròn. Nó là biểu tượng nghi lễ và tâm linh trong Ấn Độ giáo và Phật giáo, biểu thị cho vũ trụ. Dạng căn bản của mandala là một hình vuông có bốn cửa, bao bọc bên ngoại một hình tròn có chấm điểm ở giữa. Trong tâm lý học theo trường phái Jung, các mandala thường xuất hiện trong các giấc mơ, huyễn tưởng. Nó biểu tượng cho tính toàn thể của tự ngã, thường xuất hiện để lập lại sự cân bằng trong các giai đoạn tâm lý bất ổn, rối loạn.

Đọc thêm:

No comments:

Post a Comment