Monday, February 24, 2014

5 phương diện của tình yêu trưởng thành



Dựa trên khái niệm hay biết, tỉnh thức (mindful) của đạo Phật, tác phẩm Trưởng thành trong tương giao (How to Be an Adult in Relationships) đã đề ra 5 tiêu chuẩn của tình yêu trưởng thành (mindful loving) và vai trò quan trọng của chúng trong các mối quan hệ trong suốt cuộc đời.

1. Để tâm tới/chú tâm vào (Attention) thực tại: quan sát, lắng nghe, và ghi nhận tất cả các cảm xúc hiện hành trong các mối quan hệ. 

2. Chấp nhận (Acceptance) bản thận và người khác như vốn vậy,

3. Trân trọng (Appreciation) tất cả tài năng, giới hạn, khát khao, nghịch cảnh gian nan của kiếp người.

4. Thể hiện tình cảm (Affection) qua sự ôm ấp vỗ về, với sự trân trọng.

5. Để cho (Allowing, xuôi thuận) cuộc đời và tình yêu thương được vận hành theo cách của chúng, với tất cả lạc thú và đau khổ của chúng mà không cố gắng kiểm soát mọi thứ.

Khi được nhận hiểu và thực hành nhuần nhuyễn, 5 khái niệm đơn giản này - Richo gọi là 5 chữ A - tạo nên nền tảng cho tình yêu trưởng thành. Chúng có thể giúp ta gạt bỏ đi những phán xét, sợ hãi, và đổ lỗi để hướng tới quan điểm sống cởi mở, từ ái và thực tế về cuộc đời và các mối quan hệ. Bằng cách cho và nhận 5 chữ A, các mối quan hệ trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn, chúng trở thành nền tảng cho sự chuyển hóa bản thân.


David Richo, How to Be an Adult in Relationships
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Saturday, February 15, 2014

Trắc nghiệm tổn thương (3 - 6 tuổi)

Giai đoạn 3 - 6 tuổi là thời điểm để người ta bắt đầu hình thành nên bản sắc cho riêng mình. Nếu bị tổn thương, vướng mắc tâm lý ở quãng thời gian này, sẽ dẫn đến một số sự thiếu hụt, chưa hoàn thiện trong nhân cách. 

Để biết mình có gặp vấn đề trong giai đoạn này hay không, nếu có thì mức độ đến đâu, xin mời bạn làm bài trắc nghiệm sau.


1. Bạn gặp khó khăn trong việc xác định được con người/ giới tính thực của mình? Bạn cảm thấy tâm tính mình giống nữ trong khi về mặt sinh lý bạn lại là nam hoặc ngược lại.

Đúng____ Sai____


2. Ngay cả khi đã kết hôn, bạn vẫn cảm thấy có lỗi, xấu hổ khi quan hệ tình dục.


Đúng____ Sai____


3. Nói chung, bạn gặp có khó khăn trong việc nhận diện cảm xúc của mình.


Đúng____ Sai____


4. Bạn gặp khó khăn trong việc giao tiếp, chia sẻ với những người gần gũi (vợ chồng, con cái, sếp, bạn bè).


Đúng____ Sai____


5. Bạn luôn tìm cách kiểm soát cảm xúc của mình.


Đúng____ Sai____


6. Bạn cố gắng kiểm soát cảm xúc của những người xung quanh mình.


Đúng____ Sai____


7. Bạn thường khóc lóc mỗi khi giận dữ.


Đúng____ Sai____


8. Bạn thường nổi khùng nên mỗi khi sợ hãi hoặc tổn thương.


Đúng____ Sai____


9. Bạn gặp khó khăn trong việc bộc lộ cảm xúc.


Đúng____ Sai____


10. Bạn tin rằng chính mình là người chịu trách nhiệm cho hành vi và cảm xúc của người khác. Chẳng hạn, bạn cảm thấy mình có thể khiến ai đó buồn hoặc giận.

Đúng____ Sai____

11. Bạn tin rằng chỉ cần bạn cư xử khác đi, bạn có thể thay đổi được người khác.

Đúng____ Sai____

12. Bạn tin rằng chỉ cần ước muốn điều gì, thì điếu đó có thể trở thành hiện thực.

Đúng____ Sai____

13. Trong khi giao tiếp, bạn thường ngần ngại khi phải hỏi lại điều mình chưa hiểu rõ.

Đúng____ Sai____

14. Bạn thường hành động theo phán đoán hoặc những giải định chưa được kiểm chứng của mình, coi chúng như là sự thật.

Đúng____ Sai____

15. Bạn cảm thấy mình có trách nhiệm đối với những rắc rối trong cuộc hôn nhân của cha mẹ.

Đúng____ Sai____

16. Bạn nỗ lực thành công để cha mẹ bạn có thể cảm thấy tự hào, vui vẻ hơn. 

Đúng____ Sai____

Nếu bạn trả lời "đúng" càng nhiều, thì mức độ thiếu hụt/tổn thương của bạn trong giai đoạn từ 9 tháng đến 3 tuổi càng lớn.

John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Đọc thêm:

Tâm lý trẻ em (3 - 6 tuổi)


Đến khoảng 3 tuổi bạn bắt đầu thắc mắc về cuộc sống xung quanh, bạn hỏi rất nhiều câu hỏi tại sao. Bạn hỏi như vậy không phải bởi vì bạn ngô ghê, mà bởi vì nó nằm trong kế hoạch sinh hóa của trời đất. Bạn thắc mắc bởi vì nguồn sinh lực trong bạn, bản thể của bạn, thúc đẩy bạn hướng tới một cuộc sống không ngừng mở rộng.

Ta hãy tóm tắt lại sự trưởng thành của bạn cho đến bây giờ: bạn được đón chào khi đến với cuộc đời này và bạn biết rằng bạn có thể tin tưởng thế giới xung quanh đủ để các nhu cầu của bạn được đáp ứng, bạn cũng phát triển đủ năng lực và kỷ luật để tin tưởng bản thân. Giờ bạn phải phát triển năng lực mường tượng để xem mình là ai, mình muốn sống một cuộc đời như thế nào. Biết được mình là ai nghĩa là có một bản tính riêng, nó bao gồm giới tính của bạn, niềm tin về bản thân và cả mộng tưởng của bạn. Trẻ tuổi mẫu giáo rất hay hỏi tại sao bởi vì có quá nhiều thứ trẻ muốn tìm hiểu. Một vài người trong chúng ta đến giờ vẫn còn chưa cảm thấy chưa được thỏa mãn hết trí tò mò của mình.

Bởi việc tìm hiểu xem mình là ai, mình muốn làm gì với cuộc đời mình là rất khó khăn, nên để giúp chúng, trời đất đã trao cho trẻ một sự bảo vệ đặc biệt. Sự bảo vệ đặc biệt này được gọi là vị kỷ. Trẻ vị kỷ theo bản năng tự nhiên. Chúng không ích kỷ. Sự vị kỷ của chúng là một sự tất định về mặt sinh học, không phải là một lựa chọn. Tới trước 6 tuổi, trẻ hoàn toàn không có khả năng hiểu thế giới từ góc nhìn của người khác. Một đứa trẻ mẫu giáo có thể phần nào thông cảm với người khác, nhưng nó không thể đi guốc trong bụng họ. Năng lực làm điều đí sẽ không thực sự hoàn thiện cho đến độ 16 tuổi.

Trẻ ở giai đoạn mẫu giáo cũng rất ngây thơ. Chúng luôn thử nghiệm với thế giới xung quanh để có thể phân biệt được đâu là thực tại, đâu là huyễn tưởng. Đây cũng là một cách để trẻ khám phá ra năng lực của mình. Thử nghiệm là để xem khả năng của mình đến đâu.

Trẻ ở giai đoạn mẫu giáo cũng rất độc lập. Chúng luôn thắc mắc, dần hình thành các niềm tin, mường tượng về tương lai, cố gắng tìm hiểu xem thế giới xung quanh vận hành ra sao và điều gì khiến cho mọi việc xảy ra. Khi chúng tạo dựng được một nhận thức nhân quả phức hợp hơn, chúng sẽ học cách tác động tới mọi sự. Đây là việc làm tự nhiên, lành mạnh của trẻ.

Nhiệm vụ của cha mẹ là dạy trẻ và làm gương cho trẻ. Người cha điển hình cho đàn ông, còn người mẹ điển hình cho phụ nữ. Cha mẹ cũng phải là tấm gương về một mối quan hệ tình cảm thân thiết, về giới tính lành mạnh. Hơn nữa, cha mẹ cần làm mẫu cho trẻ biết thế nào là giao tiếp hiệu quả, khéo léo, chẳng hạn như biết ăn nói sao cho sáng tỏ, biết lắng nghe, hỏi xin cái mình muốn, cách giải quyết mâu thuẫn. 

Các bé trai cần được gắn bó với người cha. Điều này chỉ có thể có được nếu người cha dành thời gian cho con trai mình. Sự gắn bó đòi hỏi phải có sự xúc chạm về thân thể (ôm ấp, vỗ về) cũng như chia sẻ cảm xúc. Các bé gái cũng rất cần có một người cha, nhưng nhu cầu đó không thiết yếu bằng các cậu bé. Bé gái vốn đã gần gũi với người mẹ và cần phải tách ra khỏi mẹ. Bé trai cũng gắn bó với người mẹ, nhưng (phải giữ khoảng cách) không như bé gái, bởi văn hóa cấm kị loạn luân. Bé trai cần phải giữ mình khỏi mang những tính cách được phóng chiếu sang từ người mẹ.

Khi bé trai gắn bó với người cha, cậu sẽ muốn trở thành người giống như cha. Cậu bắt đầu bắt chước các hành vi, lối ứng xử của cha. Có thể cậu nói với mọi người rằng lớn lên, cậu muốn được giống như cha, và bắt chước ứng xử như cha khi chơi trò tưởng tượng. Một số cậu nhóc sẽ có người hùng để ngưỡng mộ và noi gương. Anh hùng của tôi là những cầu thủ bóng chày, tôi sưu tập các thẻ bóng chày và mặc đồng phục của đội tuyển ưa thích. Một quả bóng có chữ ký của siêu sao là kỷ vật yêu quý của tôi. Cũng thế, các bé gái cũng bắt đầu bắt chước cử chỉ của mẹ. Chúng chơi đùa với búp bê như những người bạn thật, cho búp bê lên xe ngựa đẩy đi, và cho chúng ăn uống. Các bé gái cũng có thể trở nên hấp dẫn khi chúng chơi trò ăn mặc diện và muốn được trang điểm. 

Khuynh hướng đồng tính về mặt sinh lý cũng có thể xuất hiện vào giai đoạn này. Tôi muốn nhấn mạnh rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đồng tính là một xu thế thiên bẩm, không phải bệnh lý hay rối loạn tâm lý trong quá trình trưởng thành. (Trong nhiều năm làm trị liệu, tôi chưa từng tham vấn cho người đồng tính nam nào lại không biết rõ về xu hướng giới tính của mình từ tuổi đó trở đi.) Mối quan tâm của tôi… dành cho tất cả mọi người bị tổn thương thời thơ ấu. Hầu hết những người đồng tính nam đều mang trong mình những mặc cảm, tủi hổ, đăc biệt là ở các cậu bé “bóng lộ”, không thể hiện ra tính cách và hành vi nam tính. Nếu bạn là người đồng tính nam/nữ, cậu/cô bé hồi mẫu giáo bên trong bạn cần được biết rằng: “Chẳng có gì là không phải, là sai trái với con người thật của bạn cả! Bạn cực kỳ hoàn hảo, như chính bạn vốn vậy!”

Phẩm chất trẻ cần có ở tuổi mẫu giáo

Erikson nói rằng ở tuổi mẫu giáo, trẻ có thể rèn luyện được lối sống có tính mục đích. Ông tin rằng tính mục đính sẽ đến từ cảm thức về bản sắc cá nhân. Nếu được phát triển lành mạnh đến tuổi mẫu giáo, trẻ có thể tự nhủ: “Mình có thể tin tưởng vào thế giới xung quanh, mình có thể tin tưởng vào bản thân, mình là người đặc biệt và độc đáo. Mình là một đưa con trai/gái. Mình có thể bắt đầu hoạch định, hình dung về tương lai dù cho mình chưa biết chính xác mình muốn làm gì.” 

Sự tự tin đến từ việc người ta có một bản sắc cá nhân, sự tự tin chủ động và ra quyết định. Một đứa trẻ mẫu giáo lành mạnh sẽ nghĩ: “Mình có thể trở thành con người ta muốn trở thành và tất cả cuộc đời còn đang ở phía trước. Mình có thể bắt chước điệu bộ như cha như mẹ. Mình mơ ước trở thành một người đàn ông như cha hay một người phụ nữ như mẹ. Mình mơ ước trở thành một người lớn và tạo dựng cuộc đời của chính mình.”

Rối loạn, vướng mắc tâm lý

Rối loạn, vướng mắc tâm lý ở giai đoạn này cho thấy những hệ quả lâu dài của các vấn đề gia đình. Trẻ em trông cậy cha mẹ sẽ cung cấp cho chúng các mẫu hình lành mạnh về cách hành xử của một người trưởng thành. Nếu cha mẹ là những người có tuổi thơ bị tổn thương, mặc cảm, hay lệ thuộc vào vật chất bề ngoài, thì trẻ gần như không thể tạo dựng được các mối quan hệ gắn bó lành mạnh.

Những người có tuổi thơ bị tổn thương, từ rất lâu họ đã chôn vùi cái ngã chân thật của mình, họ đã mất đi ý thức về bản thể đích thực của mình. Họ không thể chia sẻ bản thân với người yêu/vợ/chồng mình bởi vì họ không có một cái gì gọi là chính mình cả. Khi kết hôn, họ chọn những người phóng chiếu hình ảnh cha mẹ họ - người có cả những nét tích cực cũng như tiêu cực và người sẽ giúp họ tiếp tục đảm nhận vai trò như ở trong gia đình mình. Người hay quan tâm chăm lo cho người khác thường hay lấy người thường ở vai trò nạn nhân, để mỗi người có thể tiếp tục đóng vai diễn của mình. Mỗi người đều đặt vào người kia rất nhiều tình yêu, niềm tin và hy vọng, điều này thể hiện rõ nhất khi họ cố gắng chia tay. Họ có thể muốn tự tử, bởi cảm giác không thể sống thiếu người kia. Người hay bị đeo bám thì lại thường lấy người hay bị bỏ rơi. Khi người sợ bỏ rơi tiến lại gần, người sợ bị đeo bám sẽ bỏ chạy, Sau một thời gian xa cách, người sợ đeo bám trở nên cô đơn đủ để cho phép người sợ bỏ rơi lại gần mình trong một khoảng thời gian. Người sợ bị bỏ rơi, sợ cảm giác từng bị xa cách người yêu, sẽ nhanh chóng tỏ ý muốn chiếm hữu và đeo bám, chính điều này lại thúc đẩy người đó rời xa họ. Trò chơi bập bênh này sẽ kéo dài suốt cuộc hôn nhân. Người này lại tạo nên phản ứng hồi đáp của người kia.

John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Healing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch