Tuesday, July 7, 2015

Tóm tắt các hệ quả của tổn thương tâm lý thời thơ ấu

  1. Lụy thuộc. Không có một bản sắc, cá tính rõ ràng, hay thay đổi theo ý kiến người khác. Tâm hồn mỏng manh, dễ bị cảm xúc chi phối. Hay thương người, nhưng cũng hay tự ái, tủi thân (thương mình). Nghĩ mình là nạn nhân của cuộc đời. Cảm giác bất lực, tuyệt vọng. (Chi tiết xem ở đây.)
  2. Hung hăng & giận dỗi. Quá nhạy cảm, dễ phản ứng với những điều không ưng ý. Biểu hiện ra bên ngoài: nếu là người mạnh mẽ, dễ gây hấn, động chân động tay, có xu hướng phá hủy các mối quan hệ; nếu là người yếu mềm, dễ giận dỗi. (Chi tiết xem ở đây.)
  3. Ngây thơ & hoài nghi. Thường giao động giữa hai thái cực: hoặc quá dễ dàng tin vào những gì ngừời khác nói mà không hề nghi ngờ, thắc mắc; hoặc quá ngờ vực, đa nghi, luôn nghĩ người khác đang chực chờ lợi dụng, ám hại mình. Hoặc tin rằng một phép màu nào đó sẽ khiến mình đổi đời; hoặc tin rằng mình chẳng thể làm gì để cuộc sống tốt đẹp hơn. (Chi tiết xem ở đây.)
  4. Lặp lại quá khứ đau khổ. Các vấn đề trong mối quan hệ từ thời thơ ấu tiếp tục “tái diễn” trong mối quan hệ hiện tại. Trong thời thơ ấu bị người khác đối xử tệ hại ra sao, thì khi trưởng thành, người ta sẽ “tiếp thu” và tự đối xử với mình tệ hại như thế. (Chi tiết xem ở đây.)
  5. Rối loạn ái kỷ. Luôn cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương, sự chăm sóc. Đòi hỏi sự quan tâm, chiều chuộng quá mức từ những người thương yêu mình. Để rồi, đến một lúc nào đó, thất vọng về tất cả mọi người. Tìm kiếm một cuộc sống vật chất đủ đầy và danh tiếng để có được cảm giác giá trị, sự tự tin. (Chi tiết xem ở đây.)
  6. Trầm cảm & nghiện ngập: Cảm giác cuộc sống vô nghĩa, trống vắng. Sống như diễn kịch, cốt chỉ để đáp ứng những mong đợi của xã hội. Thường rơi vào vòng xoáy nghiệp ngập sa đọa dẫn tới tự hủy hoại bản thân. (Chi tiết xem ở đây.)
  7. Khắc kỷ & phóng dật. Một số người quá nghiêm khắc với bản thân theo những nguyên tắc cứng nhắc. Còn lại đa số là quá buông thả, phóng túng theo bản năng, sở thích. 
        (Chi tiết về từng chứng trạng, mời xem ở đây.)

Đỗ Hoàng Tùng

Một số phương pháp trị liệu tổn thương tâm lý thời thơ ấu



  1. Trị liệu bằng thôi miên: Qua tưởng tượng, người ta có cơ hội quay trở về và thay đổi những ký ức đau thương của mình. 
  2. Trị liệu bằng kể chuyện: Người ta luôn bị hấp dẫn bởi những câu chuyện., đặc biệt là trẻ con. Đối với đứa trẻ trong ta cũng vậy, được nghe kể và phân tích chuyện cổ tích có thể giúp cho những vết thương lòng phần nào được giải tỏa và hàn gắn. 
  3. Trị liệu bằng trò chơi: Dựa trên thực tế là trò chơi là phương tiện tự nhiên để đứa trẻ trong bạn bộc lộ ra. Thông qua các chất liệu như cát, đồ chơi, đứa trẻ trong bạn có cơ hội bộc lộ ra nhưng cảm xúc và vấn đề của mình thông qua các biểu tượng mà không phải đùng đến ngôn ngữ. 
  4. Trị liệu bằng viết thư: Qua bàn tay không thuận (thường là tay trái, vốn được chỉ huy bởi não phải - nơi chất chứa nhiều cảm xúc bị dồn nén), việc viết ra giúp cho đứa trẻ trong ta có cơ hội được trao đổi thông qua ngôn ngữ. Qua đó, nó có thể bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Viết ra cũng là cách để đứa trẻ trong ta hoạch định cho mình một cuộc sống tốt hơn. 
  5. Trị liệu bằng nghệ thuật: Tạo cơ hội cho đứa trẻ trong ta bộc lộ ra những tư tưởng và cảm xúc tiêu cực thông qua các bộ môn nghệ thuật sáng tạo như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, cắt dán... Chính quá trình sáng tạo nghệ thuật chứ không phải thành phẩm nghệ thuật có tác dụng hàn gắn tâm hồn. Ở đó nghệ thuật được coi là sự biểu hiện của cuộc độc thoại nội tâm của đứa trẻ trong ta, qua đó giải tỏa được những hiểu biết và niềm tin không còn hữu hiệu, đồng thời phục hồi lại niềm tin tưởng, hy vọng vào cuộc sống, cũng như sự tự tin, tự chủ và năng lực bản thân.
  6. Trị liệu bằng nhảy múa: Nhảy múa là một trong những cách bộc lộ cảm xúc căn bản. Nó được dùng để giải tỏa năng lượng của các cảm xúc ra bên ngoài. Trị liệu bằng nhảy múa giúp cho đứa trẻ trong ta nhận biết bản thân tốt hơn, khả năng tập trung tốt hơn và có thể được dùng như một phương pháp để nhanh chóng giải tỏa mặc cảm tự ti. 
  7. Trị liệu bằng chánh niệm tỉnh giác. Thường xuyên và liên tục, thực tập đưa sự chú ý về nhận diện những gì đang xảy ra trên thân và tâm. Từ đó, nhận ra và dần thoát khỏi sự chi phối của những nguyên mẫu hành vi ứng xử (trên ba bình diện: suy nghĩ, cảm xúc và hành vi) đã trở thành thói quen tự động vô thức. 
  8. Trị liệu bằng âm nhạc: Âm nhạc được dùng trong rất nhiều hình thức để tạo ra những hành vi như mong muốn và gợi mở cho những nỗi niềm u uẩn vốn đã chôn kín trong lòng được giải tỏa ra. Âm nhạc giúp người ta bớt bất an, tăng conwfg giai tiếp phi ngôn ngữ và khả năng tự điều chỉnh bản thân. Trị liệu bằng âm nhạc có thể kết hợp với vệc sử dụng các nhạc cụ, giọng hát, viết nhạc và phân tích bản nhạc/bài hát đã được thân chủ sáng tác.

Đỗ Hoàng Tùng

Tham khảo:

John Bradsaw, Homecoming
Lucia Capacchione, Recovery of your inner child
Gabrielle Roth et al., Maps to Ecstasy - The Healing Power of Movement
Juliann Steinbeigle, Inner Child Expressive Therapy

Thich Nhat Hanh, Reconciliation: Healing the Inner Child
Stephen Wolinsky, The Dark Side of The Inner Child: The Next Step
Clarissa Pinkola Estés, Warming the Stone Child.