Monday, January 6, 2014

Tâm lý trẻ em (0 đến 9 tháng)


Cây cầu tương giao
Trong giai đoạn sơ sinh, mỗi đứa trẻ cần được đón chào khi đến với cuộc đời này. Trẻ cần có sự gắn bó sâu sắc với bà mẹ, người sẽ đóng vai trò làm tấm gương phản chiếu cho trẻ. Sơ sinh được gọi là giai đoạn cộng sinh bởi trẻ hoàn toàn lệ thuộc vào bà mẹ. Trẻ dựa vào bà mẹ để hiểu biết chính mình và để được đáp ứng các nhu cầu sinh tồn căn bản. Ở giai đoạn này, trẻ chưa có sự phân biệt giữa “ta” và “người khác”. Điều này có nghĩa là một cách tự nhiên và vô thức, trẻ hòa hợp với chính mình, nhưng trẻ lại chưa có khả năng phản ánh và biết một cách ý thức trẻ là một con người độc lập. Trẻ cần được ánh mắt và giọng điệu của bà mẹ phản ánh lại để trẻ nhận diện được biểu hiện của mình. Trẻ cần bà mẹ làm tấm gương phản chiếu lại trước khi trẻ có thể tự hiểu chính mình. Cuộc sống bắt đầu bằng một sự kết hợp hiện hữu đích thực: vận mệnh của trẻ phụ thuộc vào người tình cờ là mẹ của trẻ… Nếu bà mẹ luôn ở bên cạnh trẻ, một mối quan hệ gắn bó sẽ hình thành. Mối quan hệ này được gọi là “cây cầu tương giao,” nền tảng cho mọi mối quan hệ trong tương lai. Nếu cây cầu này được xây dựng dựa trên sự trân trọng và thương mến lẫn nhau, nó tạo dựng hình mẫu cho các mối quan hệ mới của trẻ sau này. Nếu trẻ không được mẹ quan tâm đúng mức hay thậm chí bỏ mặc, “cây cầu” sẽ đứt gẫy và trẻ sẽ đi đến chỗ tin rằng nó không có quyền dựa dẫm vào bất kỳ ai hết. Điều này sẽ khiến trẻ bắt đầu các mối quan hệ bệnh lý với đồ ăn, chất gây nghiện, tình dục… trong tương lai.


Ái kỷ lành mạnh
Trẻ cần một bà mẹ luôn coi trọng mình, để xác tín cho trẻ biết trẻ là một đứa bé đẹp đẽ, hoàn hảo, để trẻ biết rằng luôn có người ở bên cạnh trẻ khi trẻ cần… Tất cả những điều này hợp thành cái mà Alice Miller gọi là "đáp ứng sự ái kỷ lành mạnh của trẻ." Trẻ cần được yêu thương đúng như trẻ vốn vậy. Trẻ cần nhận được khen ngợi và trân quý. Trẻ cần được ôm ấp, vuốt ve, cưng nựng. Trẻ cần chắc rằng bà mẹ sẽ không bỏ mặc trẻ. Khi những nhu cầu này được đáp ứng đầy đủ ở tuổi thơ, thì người ta sẽ không còn đòi hỏi chúng khi đã trưởng thành.

Phản ánh đồng cảm
Trong giai đoạn này, trẻ vẫn cảm giác mình là một phần của bà mẹ. Trẻ cảm thấy những gì bà mẹ cảm thấy. Trẻ cáu bẳn khi bà mẹ cáu bẳn. Trẻ cảm nhận về bản thân đúng theo những gì bà mẹ cảm nhận về trẻ. Với trẻ sơ sinh, cảm giác là căn bản. Không thành vấn đề việc bà mẹ làm tốt vai trò của mình đến đâu. Điều thực sự quan trọng là bà mẹ cảm thấy ra sao về đứa con của mình. Nếu bà mẹ tức giận vì lỡ mang thai trẻ, nếu bà mẹ tin rằng bà ta phải kết hôn vì lỡ có trẻ, trẻ sẽ cảm nhận được một cách sâu xa điều này.



Ôm ấp vuốt ve
Trẻ sơ sinh cần được ôm ấp, vuốt ve, cưng nựng để trẻ cảm nhận rằng mình được yêu thương, được chăm sóc và được an toàn. Trẻ cần được ăn khi đói. “Ăn đúng bữa” từng là cực hình gây kinh hoàng cho nhiều thế hệ trẻ em. Sam Keen đã chỉ ra rằng các thiền sư đã mất rất nhiều năm để đạt được cái mà mỗi đứa trẻ đều biết - mệt thì ngủ, đói thì ăn. Điều mỉa mai là sự phúc lạc đầy chất thiền này đã bị xã hội hiện đại phá hủy một cách bài bản và hệ thống. Trẻ cũng cần được tắm rửa sạch sẽ. Trẻ chưa kiểm soát được chức năng tiêu hóa nên trẻ cần mẹ rửa vệ sinh. Đây là những nhu cầu trẻ không thể tự đáp ứng, mà trẻ cần phụ thuộc vào mẹ. 

Lạc quan tin tưởng
Trẻ cần được nghe giọng nói ấm áp và ngọt ngào của mẹ. Trẻ cần rất nhiều những tiếng “ú òa” để trẻ cảm thấy rằng mình được quan tâm. Trẻ cần được nghe giọng nói đầy vững vàng, an toàn để trẻ cảm thấy an toàn. Có lẽ hơn tất thảy, trẻ cần được cảm nghiệm một người tin tưởng, lạc quan vào cuộc sống và sự hiện hữu của mình. Erik Erikson cho rằng thử thách của giai đoạn đầu đời là thiết lập một ý niệm về sự hiện hữu, mà đặc trưng là một cảm giác tin tưởng vào thế giới bên ngoài. Carl Rogers từng nói rằng một trong những điều có ý nghĩa nhất mà ông học hỏi được là “thực tế thì thân thiện”’ - tức là, thực tại đời sống có thể tin tưởng được. Tin tưởng hay không tin tưởng là thử thách đầu tiên mà cuộc sống dành cho trẻ. Nếu trẻ phát triển theo hướng tin tưởng, thì một phẩm chất căn bản của cá nhân được hình thành. Phẩm chất này sẽ hình thành nên nền tảng cho niềm lạc quan hy vọng. Nếu cuộc đời này về cơ bản là có thể tin tưởng, thì việc người ta có thể sống với đúng bản chất của mình là điều khả thể. Trẻ có thể tin tưởng rằng những gì người ta cần luôn sẵn có trong đời.

Pam Levin cho rằng giai đoạn đầu tiên của cuộc đời này là thời kỳ trẻ phát triển năng lực hiện hữu. Nếu tất cả những yếu tố ta vừa nói trên có mặt, thì trẻ có thể sống với đúng bản chất của mình. Bởi thế giới bên ngoài luôn an toàn, và bởi bố mẹ trẻ đã tự đáp ứng được các nhu cầu tâm lý của mình bằng tình yêu thương và sự hỗ trợ lẫn nhau. Trẻ sẽ không cần phải sống khác vởi bản chất của mình để làm vui lòng bố mẹ. Trẻ có thể vui sống theo cách của mình.

John Bradshaw, Reclaiming and Healing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng phỏng dịch

1 comment: