Monday, October 17, 2016

Khái niệm Ẩn nữ (Anima) của Carl Jung


Ẩn nữ (Anima). Phương diện nữ tính ẩn tàng trong tâm thức nam giới. (Xem thêm các mục từ animus, Eros, Logos, và soul-image.) 

Nhân cách nữ tính vừa là một mặc cảm cá nhân (personal complex), vừa là một hình ảnh bắt nguồn từ mẫu tượng (archetypal image) trong tâm thức nam giới. Nó là cấu phần vô thức một lần nữa thể nhập vào mọi bé trai, và cũng chính nó phải đứng ra chịu trách nhiệm cho cơ chế phóng chiếu. Ban đầu, ẩn nữ được đồng hóa với người mẹ ruột, sau này nam giới không chỉ trải nghiệm nó ở phụ nữ nói chung, mà còn cảm nghiệm nó như một sự ảnh hưởng bao trùm toàn thể đời sống.

Ẩn nữ là mẫu tượng (archetype) của chính sự sống.

Trong tâm thức nam giới luôn có một hình tượng (imago) không chỉ của người mẹ mà còn của con gái, chị gái, người tình trong mộng, nữ thiên thần, bà lão Baubo nơi âm giới. Người mẹ hay người tình nào cũng đều bị buộc phải trở thành người đảm nhiệm và hiện thân cho hình ảnh trùm khắp và vĩnh cửu này, vốn không khác gì cái thực tại sâu xa nhất trong tâm hồn nam giới. Cái hình tượng phụ nữ ẩn chứa đầy hiểm họa này thuộc về anh ta chứ không phải ai khác; nàng đại diện cho lòng chung thủy mà vì cuộc sống, đôi khi anh ta phải từ bỏ; nàng là sự bù đắp tối cần thiết cho tất cả sự mạo hiểm, chiến đấu, hy sinh mà cuối cùng đều kết thúc trong nỗi thất vọng khôn nguôi; nàng là niềm an ủi cho mọi cay đắng của cuộc đời. Và đồng thời, nàng là kẻ huyễn hoặc, quyến rũ vô cùng, lôi kéo anh ta đi vào vòng ảo mộng - không chỉ đi vào những phương diện hữu lý và hữu hiệu của đời sống, mà còn cả những cảnh nghịch lý và lưỡng nan đầy đáng sợ, nơi mà thiện ác, thành bại, hy vọng và tuyệt vọng, từng cặp đối nghịch lẫn nhau. Bởi nàng là mối nguy hiểm lớn nhất của anh ta, nàng đòi hỏi ở anh ta sự nỗ lực lớn lao nhất, và nếu anh ta có phẩm chất anh hùng trong mình, thì nàng sẽ công nhận nó. 

Trong các giấc mơ, qua hình tượng người nữ, phương diện nữ tính ẩn tàng trong nam giới được nhân cách hoá thành: từ cô gái xinh đẹp đầy quyến rũ tới bậc đạo sư tâm linh. Nó có mối quan hệ với cội nguồn dục tính, do đó, sự trưởng thành của nhân cách nữ tính nơi nam giới được phản ánh trong mối quan hệ của anh ta với nữ giới. Trong tâm thức nam nữ, ẩn nữ đóng vai trò như tâm hồn của anh ta, ảnh hưởng tới toàn bộ tư tưởng, thái độ và tình cảm.

Ẩn nữ, hay nhân cách nữ tính ẩn tàng ở đây không phải là tâm hồn (soul) theo ý nghĩa giáo điều, không phải là tâm hồn lý tính (anima rationalis), vốn là một khái niệm triết học, mà là một mẫu tượng tự hình thành. Nó được tổng hòa từ tất cả những biểu lộ của vô thức, của trí khôn nguyên thủy, của sự phát triển của ngôn ngữ và tôn giáo theo dòng lịch sử,… Nó luôn là yếu tố tiên nghiệm (a priori) trong tâm trạng, thái độ phản ứng, xung năng và bất cứ thứ gì ngẫu nhiên bộc phát trong đời sống tâm lý nam giới. 

Ẩn nữ phóng đại, bóp méo và huyền thoại hóa, gây căng thẳng cho tất cả các mối quan hệ cảm xúc của nam giới với công việc cũng như với tha nhân ở cả hai giới. Những huyễn tưởng và mắc mớ từ đó nảy sinh đều do một tay nó tạo nên cả. Khi nhân cách nữ tính này được kết tập một cách mạnh mẽ, nó sẽ làm cho tính cách người đàn ông trở nên mềm yếu, dễ tự ái, dễ cáu kỉnh, thất thường, ghen tuông, hão huyền, và thiếu khả năng thích nghi.

Với vai trò là nhân cách ẩn tàng, ẩn nữ (anima) bổ sung cho cái mặt giả (persona) và giữ mối quan hệ cân bằng với nó. 

Cái mặt giả, hình ảnh lý tưởng mà nam giới nghĩ là mình nên có, được bù trừ bằng sự yếu đuối của nữ giới trong nội tâm. Và khi ở bên ngoài người ta tỏ ra là một đấng đại trượng phu đầy mạnh mẽ bao nhiêu, thì sâu thẳm bên trong tâm hồn, anh ta là một nàng tiểu thư yểu điệu bấy nhiêu, bởi nhân cách nữ tính luôn đối nghịch với cái mặt giả. Nhưng bởi vì thế giới nội tâm tối tăm vô hình... và bởi vì khả năng nhận ra được sự yếu đuối của mình càng ít bao nhiêu, thì anh ta lại càng đồng hóa với cái mặt giả nhiều bấy nhiêu. Còn phần đối nghịch với nó, tức cái nhân cách nữ tính chìm vào trong bóng tối (vô thức) và đồng thời, được phóng chiếu (sang người vợ), vậy nên các vị anh hùng mới hay bị các bà vợ thao túng, điều khiển. 

Do đó đặc điểm của ẩn nữ có thể được suy ra từ đặc điểm của cái mặt giả; tất cả những nét tính cách thiếu vắng nơi thái độ biểu lộ ra bên ngoài sẽ được tìm thấy nơi nội tâm.

Tay bạo chúa bị hành hạ bởi những giấc mơ tồi tệ, những điềm gở, và những nỗi sợ hãi thầm kín là một dạng người rất điển hình. Tuy bề ngoài hắn tỏ ra tàn nhẫn, cay nghiệt, khó gần, nhưng thật ra bên trong, hắn ta thường giật mình sợ hãi trước mỗi góc khuất, dễ rơi vào đủ mọi loại tâm trạng, như thể hắn ta là người yếu ớt và nhạy cảm nhất trên đời. Do đó, nhân cách nữ tính của hắn ta ẩn chứa tất cả những tính cách của con người lầm lỗi mà cái mặt giả của hắn ta thiếu vắng. Nếu cái mặt giả bên ngoài tỏ ra lý tính, thì chắc chắn sẽ cảm tính.

Tương tự như vậy, ở phương diện nào nam giới đồng hóa với cái mặt giả, thì ở nơi đó trên thực tế, anh ta đã bị ẩn nữ điều khiển, thao túng, với những triệu chứng tương ứng.

Sự đồng hóa với cái mặt giả tất yếu dẫn tới sự đồng hóa với ẩn nữ, bởi vì khi cái tôi không tách ra khỏi cái mặt giả, thì nó không thể nào có một mối quan hệ ý thức với toàn bộ tiến trình vô thức (tức là nhận ra những xung năng vô thức đang chi phối mình). Hệ quả là, cái tôi biến thành chính những tiến trình này, nó đồng hoá với chúng. Bất cứ ai tự đồng hoá mình với “vai diễn” ngoài đời chắc chắn sẽ rơi vào những tiến trình tâm lý (mà anh ta không ý thức được - ND); hoặc anh ta sẽ vừa bất mãn với vai diễn ngoài đời bởi sự đòi hỏi tuyệt đối của nội tâm, hoặc cũng có thể anh ta sẽ biến nó thành một sự ngớ ngẩn qua tiến trình chuyển đổi thái cực (enantiodromia). Có thể anh ta sẽ không còn đi theo con đường của riêng mình nữa, cuộc đời anh đi vào hết ngõ cụt này đến ngõ cụt khác. Hơn nữa, ẩn nữ chắc chắn sẽ phóng chiếu lên một đối tượng ngoài đời, người mà anh ta có mối quan hệ hoàn toàn phụ thuộc.

Jung vạch ra bốn giai đoạn phát triển chính của ẩn nữ, tương tự các cấp bậc trong giáo phái thờ thần Eros cuối thời cổ đại. Ông nhân cách hoá các giai đoạn này thành Eva, Helen, đức mẹ Mary và Sophia. 

Ở giai đoạn đầu tiên, với tư cách là Eva, ẩn nữ chưa được tách biệt khỏi người mẹ ruột. Nam giới không thể trở thành con người lành mạnh mà không có mối quan hệ gắn bó khăng khít với một người phụ nữ. Trong giai đoạn thứ hai, được nhân cách hoá thành nhân vật lịch sử Helen thành Troy, ẩn nữ trở thành biểu tượng tình dục lý tưởng của đại chúng (Tất cả những thứ bỏ đi đều không phải là Helen. - Marlowe). Giai đoạn ba, đức mẹ Mary thị hiện trong những cảm xúc tôn giáo và xuất hiện khả năng cho những mối quan hệ lâu dài. Giai đoạn bốn, với tư cách Sophia (được gọi là Minh triết trong Kinh thánh), nhân cách nữ tính làm nhiệm vụ người dẫn dắt đi vào thế giới nội tâm, đưa những nội dung từ tầng vô thức lên tầng ý thức. Nàng hỗ trợ nam giới trên hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống và là nàng thơ tạo cảm hứng sáng tạo cho nghệ sỹ.

Lý tưởng mà nói, thì ẩn nữ tiến triển tự nhiên thông qua những giai đoạn kể trên khi người ta lớn tuổi dần lên. Trong thực tế, với tư cách là nguồn sinh lực phát xuất từ mẫu tượng (archetypal life force), nhân cách nữ tính biểu lộ trong bất cứ hình hài nào cần phải có để bù trừ cho thái độ chiếm ưu thế trên bề mặt ý thức. 

Chừng nào ẩn nữ còn nằm trong vô thức, thì chừng đó mọi thứ mà nàng đại diện đều bị phóng chiếu ra bên ngoài. Thông thường nhất là, bởi sự gắn bó khăng khít ban đầu giữa ẩn nữ và hình tượng người mẹ che chở, sự phóng chiếu sẽ rơi vào người bạn đời, với những hệ quả mà ta có thể dự đoán được.

Ý niệm về hôn nhân của đàn ông quá định kiến đến mức mà người vợ buộc phải đảm nhiệm vai trò huyền nhiệm của người mẹ. Dưới vỏ bọc của cuộc hôn nhân lý tưởng, anh ta đang thực sự tìm kiếm sự che chở của người mẹ, và do đó anh ta rơi vào vòng tay của bản năng chiếm hữu nơi người vợ. Nỗi sợ sức mạnh không thể nào đo đếm của vô thức tăm tối nơi anh ta trao cho người vợ một thứ uy quyền không chính đáng với mình, và khuôn đúc thành một mối quan hệ gần gũi đầy nguy hiểm mà trong đó, cuộc hôn nhân luôn ở trên bờ vực của sự bùng nổ xung đột bắt nguồn từ sự căng thẳng âm ỉ bên trong.

Dù nam giới có trưởng thành đến đâu, anh ta vẫn luôn có khả năng nhìn thấy những phương diện của nhân cách nữ tính trong mình, tâm hồn anh ta, ở một phụ nữ ngoài đời. Điều này cũng đúng với nhân cách nam tính trong tâm thức nữ giới (animus). Những phương diện này có thể được hội nhập vào trong ý thức và ý nghĩa của chúng có thể được chủ thể thấu hiểu, nhưng bản chất cốt lõi của chúng thì không thể nào vơi cạn. 

Dù những ảnh hưởng của nhân cách nữ tính và nam tính có thể được hội nhập vào ý thức, nhưng chính bản thân chúng (tức anima và animus) là những yếu tố siêu việt ý thức cũng như vượt ra ngoài tầm với của tri giác và ý chí con người. Do đó, chúng vẫn luôn là những thực thể tự chủ cho dù những nội dung của chúng có được hội nhập vào ý thức, và vì lý do này, chúng luôn cần được ghi nhớ.

Đối với nam giới, ưu tiên trong nửa đầu cuộc đời là giải thoát mình khỏi sự lôi cuốn của ẩn nữ nơi người mẹ. Trong nửa sau cuộc đời, việc thiếu vắng mối quan hệ ý thức với nhân cách nữ tính bên luôn đi kèm với những triệu chứng đặc trưng của căn bệnh “đánh mất tâm hồn.”

Những người trẻ tuổi có thể chịu đựng được sự thiếu vắng toàn diện nhân cách nữ tính mà không hề gì. Ở giai đoạn này, đối với nam giới điều quan trọng là trở thành một người đàn ông đích thực… Tuy nhiên, qua tuổi trung niên, sự thiếu vắng lâu dài của nhân cách nữ tính trong đời sống tinh thần đồng nghĩa với việc người ta sẽ mất đi sức sống, sự linh hoạt, và lòng nhân ái. Kết quả là, theo lệ thường, người ta sẽ nhanh chóng đi đến chỗ cứng nhắc, cáu bẳn, rập khuôn, cực đoan, ngang ngạnh, tiểu tiết, hay cũng có thể là cam chịu, chán chường, ủy mị, vô trách nhiệm, và cuối cùng là tính hay dằn dỗi kiểu trẻ con với khuynh hướng nghiện bia rượu.



Đối với nam giới, có một cách để làm quen với bản chất của ẩn nữ trong anh ta. Đó là thông qua phương pháp chủ động tưởng tượng. Tức là, anh ta nhân cách hóa nàng thành một nhân cách tự chủ, rồi hãy thăm hỏi và lắng nghe hồi đáp từ nàng. Ý tôi là bạn hãy coi đây là một kỹ thuật thật sự… Nghệ thuật này chỉ đòi hỏi bạn để cho người bạn vô hình này được lên tiếng, nhanh chóng đưa ra cơ chế biểu đạt theo ý nàng, mà không bị mất kiểm soát bởi sự khó chịu mà đương nhiên người ta sẽ cảm thấy khi ở trong một trò chơi rõ ràng là kỳ khôi với chính bản thân mình, hay bởi sự nghi ngờ về tính xác thực của giọng nói của người đối thoại.

Jung nhận định rằng nếu cuộc trùng phùng với bóng âm (shadow) là “công trình đầu tay” (apprentice-piece: công trình của kẻ tập sự) trong quá trình trưởng thành của nam giới, thì tiến tới hữu hảo với ẩn nữ là “công trình tuyệt tác” (master-piece: công trình của bậc thầy). 

Mục tiêu là sự chuyển hóa của ẩn nữ, từ một kẻ đối nghịch khó chịu thành người trung gian, liên hệ giữa ý thức và vô thức. Jung gọi đó là “sự chinh phục ẩn nữ với tư cách một mặc cảm tự chủ.” Một khi đã đạt được mục tiêu này, người ta có thể tách cái tôi khỏi đủ mọi lại rây mơ rẫy má với tập thể và vô thức tập thể. Trải qua quá trình này, ẩn nữ không còn năng lực ma quái của một mặc cảm tự chủ; nàng không còn “thi triển” được năng lực kiểm soát, bởi nàng đã bị bất hoạt hóa (depotentiated). Nàng không còn là người canh gác kho báu bí ẩn; không còn là con ma Kundry, sứ giả của Chén thánh, nửa thần thánh nửa súc sinh; không còn là cái tâm hồn vốn được là “người tình”, mà chỉ còn là một chức năng tâm lý của bản chất trực giác, cũng giống những gì người nguyên thủy ngụ ý khi họ nói, “Anh ta đi vào trong rừng để nói chuyện với thần linh” hay “Con rắn nói với tôi” hay, trong ngôn ngữ huyền thoại của trẻ thơ, “con chim non nói với con.”

Nguồn: David Sharp - Jung's Lexicon
Đỗ Hoàng Tùng dịch