Wednesday, June 11, 2014

Khái niệm "Bóng âm" của Carl Jung




Bóng âm, hay cái tôi ẩn khuất (shadow). Những phương diện vô thức hay ẩn tàng của con người, gồm cả cái xấu lẫn cái tốt, mà cái tôi ức chế (repressed) cũng như không bao giờ công nhận. (Xem thêm mục từ “ức chế”.)

Bóng âm là một nan đề đạo đức thách thức toàn bộ nhân cách cái tôi (ego-personality), bởi không ai có thể nhận thức được bóng âm mà lại không cần có nỗ lực đạo đức đáng kể. Để nhận thức được [sự tồn tại của] nó, người ta cần phải công nhận rằng những phương diện còn ẩn khuất trong nhân cách đang có mặt và có thực. ["The Shadow," CW 9ii, par. 14.]

Trước khi những nội dung vô thức được phân biệt rõ ràng, thì trên thực tế bóng âm bao gồm toàn bộ vô thức. Thông thường trong những giấc mơ, nó được nhân cách hóa thành những người có cùng giới tính với người nằm mơ.

Đa phần thì bóng âm được hình thành từ những khát khao bị ức chế, những xung năng chưa được khai hóa, những động cơ hèn hạ, những ảo tưởng ngây thơ và những uất ức… - tất cả những điều mà người ta chẳng lấy gì làm tự hào. Thường thì những đặc điểm cá nhân không được thừa nhận này sẽ được nhận thấy nơi người khác thông qua cơ chế phóng chiếu (the mechanism of projection).

Dù với tuệ giác (insight) và thiện ý, người ta có thể chuyển hoá phần nào bóng âm vào trong nhân cách ý thức, kinh nghiệm chỉ ra rằng tồn tại những nét cá tính phản kháng cực kì ngoan cố với sự kiểm soát về mặt đạo đức (moral control) và tỏ ra gần như không thể tác động tới. Sự kháng cự này thường gắn bó chặt chẽ với cơ chế phóng chiếu, đây là điều người ta không nhận ra, còn nhận ra được chúng thì là một thành tựu đạo đức phi thường. Trong khi một vài nét tiêu biểu cho bóng âm có thể được nhận diện không mấy khó khăn như là phẩm chất cá nhân, trong trường hợp này cả tuệ giác lẫn thiện ý đều không hiệu quả, bởi vì cội nguồn của cảm xúc, vượt lên mọi khả năng nghi ngờ, có vẻ như lại nằm ở tha nhân.

Bộ mặt giả (persona) ngăn cản việc nhận diện bóng âm. Chúng ta đồng hóa với một cái mặt nạ tươi sáng đến mức độ nào, thì bóng âm cũng tối tăm tương ứng. Do đó, giữa bóng âm và mặt nạ tồn tại một mối quan hệ bổ sung lẫn nhau, và sự mâu thuẫn giữa chúng luôn luôn hiện hữu khi chứng nhiễu tâm (neurosis) bộc phát. Chứng trầm uất (depression) đặc trưng vào những thời điểm như thế cho thấy nhu cầu nhận thức: người ta không phải hoàn toàn là con người mà họ thể hiện ra bên ngoài hay ao ước trở thành.

Nói chung không có kỹ thuật hữu hiệu nào để chuyển hóa bóng âm. Đúng hơn, nó giống như thuật ngoại giao hay thuật trị nước và nó luôn là một vấn đề cá nhân. Đầu tiên người ta phải chấp nhận và coi trọng sự tồn tại của bóng âm. Thứ hai, người phải nhận diện được tính chất và ý định của nó. Điều này chỉ có được khi người ta chú ý tới tâm trạng, huyễn tưởng và xung năng của mình. Thứ ba, một tiến trình thương lượng lâu dài là điều không thể tránh khỏi.


Quả thực, với ý thức, đối diện với bóng âm là điều cần thiết trong trị liệu, là tiền đề đầu tiên của bất cứ phương pháp tâm lý thấu đáo nào. Cuối cùng thì điều này phải dẫn tới sự hoà giải, ngay cả khi ban đầu sự hoà giải này chỉ là một cuộc xung đột còn bỏ ngỏ, và thông thường sẽ còn như vậy trong một khoảng thời gian dài. Đó có một cuộc đấu tranh tư tưởng không thể thủ tiêu bằng giải pháp của lý trí... Cuộc đấu tranh sẽ kết thúc khi cả hai bên đều đã mệt nhoài, kiệt sức. Kết quả có như thế nào thì chẳng bao giờ có thể biết trước được. Điều duy nhất ta có thể chắc chắn là cả hai bên sẽ thay đổi.

Tiến trình thỏa hiệp với tha nhân trong chính ta này cũng đáng để làm, bởi vì qua đó ta sẽ biết được những phương diện trong bản chất của mình mà ta không để cho bất kỳ ai chỉ ra, mà hẳn ta cũng sẽ không bao giờ thừa nhận.

Việc chịu trách nhiệm cho bóng âm lại tuỳ thuộc vào [quyết định của] cái tôi. Đó là lý do vì sao bóng âm lại là một nan đề đạo đức. Nhận ra hình hài của nó ra sao, và ta có thể làm gì, là một chuyện. Nhưng quyết định xem ta có thể bộc lộ ra, hay sống chung với cái gì, lại là một chuyện khác.

Ban đầu, đối diện với bóng âm tạo ra một sự cực kỳ lưỡng lự, một sự bế tắc cản trở những quyết định mang tính đạo đức và làm cho mọi lời buộc tội đều trở nên vô hiệu hay thậm chí bất khả. Mọi thứ bỗng trở nên đầy đáng ngờ.

Tuy nhiên, bóng âm không chỉ là bộ mặt ẩn khuất đằng sau đầy tối tăm của nhân cách. Nó còn gồm cả những bản năng, năng lực, phẩm chất đạo đức tích cực đã bị đào sâu chôn chặt từ lâu hoặc chưa bao giờ được nhận diện.

Bóng âm chỉ là có phần thấp kém, nguyên thủy, kém thích nghi, vụng về, ngượng nghịu; chứ không hẳn vốn toàn là tệ hại, xấu xa. Thậm chí, nó còn gồm cả những phẩm chất ngây thơ hay nguyên thủy, những thứ mà, theo một cách nào đó, đem lại sức sống và tô điểm cho cuộc nhân sinh - nhưng thường lại bị tục lệ xã hội cấm đoán!  

Từ trước đến nay người ta vẫn tin rằng bóng âm (shadow) là cội nguồn của mọi cái ác, giờ đây dựa trên sự thẩm tra một cách sâu sắc, kỹ càng hơn, ta có thể khẳng định rằng con người vô thức, tức bóng âm của hắn, không chỉ bao gồm những khuynh hướng đáng lên trên phương diện đạo đức, mà còn biểu lộ vô số phẩm chất tốt đẹp, chẳng hạn như bản năng thông thường, phản ứng thích đáng, sáng suốt thực tế, thôi thúc sáng tạo,...

Sự bùng phát của chứng nhiễu tâm hợp thành cả hai mặt của bóng âm: những phẩm chất và hoạt động mà người ta vốn chẳng lấy gì làm tự hào, và những tiềm năng mà người ta chưa từng biết là chúng tồn tại.

Jung chia ra thành hai dạng bóng âm: bóng âm cá nhân và bóng âm tập thể hay bóng âm mẫu tượng (archetypal shadow).

Với một chút khả năng tự suy xét, người ta có thể nhìn thấu bóng âm, trong chừng mực nó còn mang tính cá nhân. Nhưng một khi nó ở dưới dạng mẫu tượng, người ta sẽ gặp phải những khó khăn tương tự như khi đối diện với ẩn nữ (anima) và ẩn nam (animus). Nói cách khác, việc nhận diện cái ác tương đối trong bản chất của mình vẫn còn nằm trong giới hạn của khả năng con người, nhưng việc đối diện với bộ mặt của cái ác tuyệt đối thường lại là một kinh nghiệm hy hữu và gây choáng váng.


Nguồn: David Sharp - Jung's Lexicon
Đỗ Hoàng Tùng dịch

2 comments:

  1. Cảm ơn tác giả
    Bài viết rất dễ hiểu, hữu ích cho người yêu mến C.G.Jung
    Và nhất là công bằng, tôn trọng tính khách quan của học thuyết, không gán ghép với chính trị hay đả kích ý thức hệ và tôn giáo

    ReplyDelete
  2. hic mình đọc xong ko hiểu gì

    ReplyDelete