Tuesday, October 14, 2014

8 nỗi niềm sâu kín của đàn ông

  1. Cuộc sống của đàn ông cũng bị chi phối, kìm kẹp bởi những kỳ vọng, mong đợi làm tròn bổn phận đầy hạn hẹp chẳng kém gì cuộc sống của đàn bà.
  2. Về bản chất, cuộc sống của đàn ông bị chi phối bởi nỗi sợ hãi.
  3. Sức mạnh nữ tính ẩn tàng trong tâm hồn đàn ông vô cùng thâm hậu.
  4. Đàn ông thường âm thầm giữ kín, kìm nén nỗi lòng chân thực của họ.
  5. Bởi vì đàn ông phải rời xa, độc lập khỏi người mẹ, và vượt qua mặc cảm người mẹ, vậy nên tất yếu sẽ phải có tổn thương.
  6. Cuộc sống của đàn ông đầy màu sắc bạo lực là bởi kẻ khác đã xâm hại, gây tổn thương cho tâm hồn họ.
  7. Trong sâu thẳm tâm hồn mình, mỗi người nam đều khát khao, mong mỏi có môt người cha, cũng như có những người cha lớn nâng đỡ tinh thần.
  8. Nếu đàn ông muốn hàn gắn tâm hồn họ, thì họ phải khơi dậy từ bên trong mình những gì họ đã không nhận được từ cuộc sống bên ngoài.
James Hollis, Under Saturn's Shadow: The Wounding and Healing of Men
Đõ Hoàng Tùng dịch

Friday, October 10, 2014

4 mức độ phụ thuộc


Đa số các mối quan hệ tình cảm, luyến ái đều rơi vào một trong bốn, hoặc đi qua cả bốn mức độ phụ thuộc sau đây:

1. Lụy thuộc (co-dependence): thiếu thốn cực độ và phụ thuộc hoàn toàn vào "nguồn cung cấp" của "đối tác", cảm thấy không thể xa rời nhau nổi. Những người bị thiếu hụt hay tổn thương tình cảm thời thơ ấu hay bị rơi vào tình trạng này.

Biểu hiện: "Anh không thể sống thiếu em.", "Anh là người đàn ông tuyệt vời nhất và duy nhất của cuộc đời em."

2. Phụ thuộc (dependence): người này thiếu thốn và phụ thuộc vào sự cung cấp của người kia ở một khía cạnh nào đó (tình cảm, tài chính, sự an toàn...) và ngược lại. Họ ngưỡng mộ sự khác biệt của nhau.

Biểu hiện: "Em yêu anh!" "Mình rất ngưỡng mộ tính cách quyết đoán của anh ấy."

3. Độc lập (in-dependence): mỗi người "tìm lại cái tôi đã mắt" của mình sau một giai đoạn dài lụy thuộc khiến cả hai cảm thấy ngột ngạt, tù túng. Đây là giai đoạn dễ xảy ra những mâu thuẫn, bởi họ lại chuyển sang khó chịu vì sự khác biệt của nhau. Nếu không hóa giải được, những mâu thuẫn lên tới kịch điểm có thể dẫn tới tan vỡ, chia tay.

Biểu hiện: "Chúng ta quá khác biệt!" "Tôi không thể chịu nổi tính độc đoán, gia trưởng của anh ta."

4, Tương thuộc (inter-dependence): hai người tuy phụ thuộc vào nhau phần nào ở một vài khía cạnh nào đó, nhưng vẫn độc lập, như Kalil Gibran đã diễn tả trong tập thơ Ngôn sứ:

"Và hãy đứng cùng nhau nhưng đừng quá sát vào nhau:
Vì các cột đền thờ đều đứng một mình,
Và cây sồi với cây hạnh đào không lớn lên trong chiếc bóng của nhau."
(Nguyễn Ước dịch)

Đây là giai đoạn lý tưởng, đòi hỏi nhân cách cả hai đã thực sự trưởng thành.

Biểu hiện: "Còn gặp nhau thì hãy cứ vui..." (Tôn Nữ Hỷ Khương)

Đỗ Hoàng Tùng

Thursday, October 9, 2014

Buông thả & nghiêm khắc


Chữ “discipline” (kỷ luật) trong tiếng Anh bắt nguồn từ chữ “disciplina” trong tiếng La-tinh, nghĩa là “dạy dỗ.” Qua việc đưa trẻ con vào khuôn khổ kỷ luật, chúng ta chỉ cho chúng cách sống sao cho hiệu quả và đầm ấm. Như M. Scott Peck đã nói, [sống có] kỷ luật, lề lối chính là cách để làm vơi bớt đi đau khổ trong cuộc đời này. Chúng ta biết rằng lối sống: luôn nói sự thật, tiết chế hưởng thụ (thiểu dục), thành thật với bản thân, và chịu trách nhiệm với bản thân có thể đem đến niềm vui sống hơn. Trẻ con cần được thấy cha mẹ nghiêm khắc với bản thân họ ra sao, hơn là cần những lời thuyết giảng xuông của họ. Chúng học theo những gì cha mẹ đã thực sự làm, chứ không phải những điều họ nói là họ làm. Khi cha mẹ không thể làm tấm gương cho trẻ, thì chúng sẽ trở nên buông thả, vô kỷ luật. Khi cha mẹ quá cứng rắn, chúng cũng sẽ trở nên quá khắc nghiệt với bản thân.

Những đứa trẻ buông thả thường chơi bời lêu lỏng, không chịu nghe lời, không chịu chờ đợi, hay nổi loạn, cứng đầu, bướng bỉnh, thường hành động bộc phát thiếu suy nghĩ. Đứa trẻ khắc kỷ thì lại quá cứng nhắc, nguyên tắc, quá kiềm chế, luôn vâng lời, luôn làm hài lòng người khác, và thường cảm thấy mặc cảm, tội lỗi. Tuy nhiên, hầu hết những người có tuổi thơ bị tổn thương đều “dao động” giữa hai thái cực: lúc thì quá buông thả, lúc thì quá nghiêm khắc.

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch