Friday, January 3, 2014

Tâm lý trẻ em (9 tháng - 3 tuổi)


… Tới 9 tháng tuổi, thế giới xung quanh với những đồ vật đầy hấp dẫn là nơi để trẻ khám phá các giác quan của mình. Trẻ tò mò với mọi thứ, muốn thử nghiệm với tất cả những gì trong tầm tay mình. Sự hiếu kỳ này của trẻ, nếu được nuôi dưỡng, sẽ giúp trẻ có tính cách mạnh bạo và sáng tạo sau này. Nhưng đây cũng là giai đoạn trẻ dễ gặp nguy hiểm, khi trẻ không phân biệt được đâu là đồ chơi, đâu là ổ cắm điện. Vì vậy, cần phải có một người thường xuyên canh chừng trẻ với lòng kiên nhẫn gần như vô hạn. 

Trong giai đoạn khám phá [thế giới xung quanh] này, trẻ bắt đầu phát triển cơ bắp. Cụ thể là, qua các hoạt động và trò chơi, trẻ sẽ phát triển hai kỹ năng cơ bản: “nắm giữ” và “buông bỏ”. Từ việc học đi, học ăn, cho đến chơi đồ chơi, học bơi, học chạy, trẻ cần phải biết cách cân bằng giữa “nắm giữ” và “buông bỏ". Khi học được sự cân bằng này, trẻ cũng phát triển được sức mạnh cơ bắp lẫn ý chí. Một đứa trẻ có ý chí tốt sẽ biết cách “nắm giữ” sao cho phù hợp (khi phải ngồi im) và “buông bỏ" sao cho phù hợp (khi phải đi đại tiện).

“Nắm giữ” và “buông bỏ” cũng liên quan đến cả việc cân bằng cảm xúc. Ban đầu, một đứa trẻ hoàn toàn không biết cân bằng cảm xúc. Chúng chưa thử nghiệm xem chúng có thể và không thể làm gì. Chúng có xu hướng cực đoan và có thể hành xử như những “ông vua con”. Chúng cáu gắt, phá phách khi không có được cái mình muốn. Lúc này, chúng cần có những ông bố bà mẹ hết sức vững vàng và bình tĩnh. Họ sẽ phải đặt ra những luật lệ, những giới hạn mà trẻ không được phép vượt qua. Khi bị đưa vào khuôn phép như vậy, chắc chắn trẻ sẽ giận dỗi bố mẹ, nhưng trẻ vẫn luôn cần được đảm bảo rằng, bố mẹ vẫn luôn ở bên cạnh trẻ, [hỗ trợ trẻ bất cứ khi nào trẻ cần]

Qua những lần “mâu thuẫn về lợi ích” với bố mẹ như vậy, trẻ sẽ học được rằng không phải lúc nào nó cũng có được cái mà nó muốn. Nhận thức đó sẽ phát sinh trong trẻ sự xấu hổ, tủi thân và nghi ngờ về khả năng của bản thân. Nhưng đây là sự mặc cảm lành mạnh cần phải có. Nó giúp trẻ hiểu được rằng con người không phải là đấng toàn năng, con người luôn có những giới hạn, con người là bất toàn. 

Mục tiêu trong giai đoạn này là trẻ có thể phát triển được một ý chí mạnh mẽ. Đây là phẩm chất giúp trẻ có năng lực hành động trong cuộc sống. Người ta sẽ không thể làm tốt được việc gì nếu không có kỷ luật, tức khả năng cân bằng giữa “buông” và “nắm”. Nếu không có ý chí mạnh mẽ, chúng ta không thể nào có kỷ luật. Chúng ta sẽ sống buông thả, phóng túng, nuông chiều bản thân theo ý thích, hoặc sẽ sống quá chắt bóp, kiêu kiệt, quá kiểm soát, quá lặm dụng/nghiện ngập..

Bên cạnh ý chí mạnh mẽ, trẻ cũng cần nhận ra bản chất bất biến, hằng hữu (luôn có) của con người. Tức là, không ai hoàn hảo cả, cả bố mẹ lẫn chính trẻ. Một sự xấu hổ, tủi thân lành mạnh sẽ giúp trẻ hiểu được điều này. “Bố và mẹ cũng chỉ là những con người bình thường. Không phải lúc nào bố mẹ cũng sẽ cho mình cái mình muốn. Nếu bố mẹ sáng suốt, thì bố mẹ sẽ cho mình cái mình cần. Khi bố mẹ đưa ra những khuôn phép giới hạn, mình thường giận dỗi. Nhưng đó lại chính là cách để mình biết cân bằng hơn trong cuộc sống.”

Khi trẻ nhận ra rằng đôi khi bố mẹ đem đến cho mình niềm vui, nhưng đôi khi, cũng chính bố mẹ lấy niềm vui ấy đi. Họ vẫn như vậy, bất biến, hằng hữu, cho dù họ có thể tốt hay xấu trong mắt trẻ. Trẻ cũng cần nhận ra rằng, chính tâm trạng của mình cũng bấp bênh, lên xuống. Có ngày trẻ vui, nhưng cũng có ngày trẻ buồn. Nhưng dù vui hay buồn, trẻ vẫn là cùng một người, vẫn là chính mình. Những người bị tổn thương thời thơ ấu thường không nhận ra điều này, họ có xu hướng sống cứng nhắc và cực đoan, họ thường suy nghĩ theo lối một chiều, hoặc là tất cả hoặc không là gì cả, hoặc tốt hoặc xấu.

Khi trẻ đã tạo dựng được tính độc lập cho mình, chúng bắt đầu đặt ra các ranh giới. Biết rằng “cái gì là của mình, cái gì là của bạn” là điều thiết yếu để gây dựng một mối quan hệ tốt đẹp. Khi ở tuổi chập chững, bạn nói “cái này là của tớ” rất nhiều lần. Bạn làm vậy là để tạo dựng nhận thức về sở hữu: cái gì là của bạn, cái gì là của người khác.

John Bradshaw, Reclaiming and Healing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng lược dịch

No comments:

Post a Comment