Saturday, January 18, 2014

Cái tôi và tự ngã (III)


Tự ngã, trong vai trò trung tâm và toàn thể của tâm thức có khả năng điều hòa tất cả các đối lập, có thể được coi là cơ quan [có khả năng] bao dung, chấp nhận bậc nhất. Bởi nó bao hàm toàn thể, nó phải có khả năng bao dung, chấp nhận tất cả các thành phần của đời sống tâm thức cho dù chúng có thể đối nghịch [với nhau] thế nào đi nữa. Chính khả năng này của tự ngã giúp cho cái tôi được mạnh mẽ và ổn định. Khả năng bao dung, chấp nhận này được chuyển tới cái tôi qua trục nối cái tôi và tự ngã. Thiếu khả năng bao dung, chấp nhận bản thân là triệu chứng cho thấy trục nối này đã bị tổn thương. Cá nhân cảm thấy rằng y không xứng đáng để sống trên đời hay để sống đúng với con người mình. Tâm lý trị liệu trao cho những người như thế một cơ hội để trải nghiệm cảm giác được chấp nhận, được bao dung. Trong những ca trị liệu thành công, điều này có thể đồng nghĩa với sự hàn gắn lại trục nối cái tôi và tự ngã, phục hồi lại mối liên lạc với cội nguồn của sự lmạnh m và bao dung trong nội tâm, cho phép bệnh nhân có thể tự do sinh sống và trưởng thành. 

Những bệnh nhân có trục nối cái tôi và tự ngã bị tổn thương bị ấn tượng hơn cả khi khám phá ra rằng nhà trị liệu chấp nhận con người họ. Ban đầu, họ không thể nào tin được điều này. Rất có thể họ sẽ không còn tin rằng mình được chấp nhận, nếu họ chỉ coi đó là một kỹ thuật nghề nghiệp chứ [nhà trị liệu] chẳng thật lòng chút nào. Tuy nhiên, nếu họ nhận thấy sự chấp nhận của nhà trị liệu là thật lòng, một sự chuyển dịch mạnh mẽ sẽ nhanh chóng xuất hiện. Nguồn gốc của sự chuyển dịch này dường như là sự phóng chiếu của tự ngã, đặc biệt là chức năng như một cơ quan bao dung, chấp nhận. Tới thời điểm này, những phẩm chất trọng yếu của nhà trị liệu-tự ngã sẽ trở nên nổi bật. Nhà trị liệu, với tư cách một con người, trở nên hết sức đặc biệt đối với cuộc đời và tư tưởng của người bệnh. Những buổi trị liệu trở thành những ngày vô cùng quan trọng và ý nghĩa trong khoảng thời gian đó. Một tâm điểm mang đến ý nghĩa và trật tự đã xuất hiện ở nơi mà trước đây chỉ có hỗn độn và tuyệt vọng. Những hiện tượng này ngụ ý rằng sự hàn gắn lại trục nối cái tôi và tự ngã đang diễn ra. Những buổi gặp gỡ với nhà trị liệu sẽ được trải nghiệm như là một mối liên hệ tươi mới trở lại với cuộc đời, đem đến cảm giác hy vọng và lạc quan. Ban đầu, những hiệu ứng như thế đòi hỏi sự liên hệ thường xuyên và suy giảm nhanh chóng [trong khoảng thời gian] giữa các buổi trị liệu. Nhưng dần dần, phần còn ngầm ẩn của trục nối cái tôi và tự ngã sẽ hiện ra ngày càng nhiều hơn.

Trải nghiệm được bao dung, chấp nhận không chỉ hàn gắn lại truc nối cái tôi và tự ngã mà còn tái kích hoạt phần cá tính cái tôi còn đồng nhất với tự ngã. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra chừng nào trục nối cái tôi và tự ngã còn hoàn toàn vô thức (trạng thái được biểu thị bằng đồ hình 2). Do vậy những thái độ kiêu căng tự mãn, những kỳ vọng sở hữu,... sẽ xuất hiện, chúng sẽ kiêu kích thêm sự chối bỏ từ nhà trị liệu hay từ môi trường sống. Một lần nữa, trục nối cái tôi và tự ngã sẽ bị tổn thương, tạo ra tình trạng phần nào bị xa lánh, ghét bỏ. Lý tưởng mà nói, trong tâm lý trị liệu, và trong sự trưởng thành tự nhiên, người ta sẽ hy vọng rằng sự giải trừ từng bước phần cá tính của cái tôi còn đồng nhất với tự ngã sẽ êm đẹp, nhẹ nhàng đến mức nó sẽ không gây ra tổn thương nào cho trục nối cái tôi và tự ngã. Trong thực tế, hoàn cảnh đáng ao ước này chắn chắn chưa từng xảy ra. 

Edward Edinger, Ego and Archetypes, pp.40-41
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Đọc thêm:

No comments:

Post a Comment