Monday, October 16, 2023

Carl Jung viết về khái niệm phóng chiếu



Phóng chiếu, hay ngoại chiếu (Projection). Một tiến trình tự động qua đó những nội dung của vô thức của bản thân lại được nhận ra ở người khác.
 
Cũng giống như việc ta có xu hướng giả định rằng thế giới giống như những gì ta thấy, ta thường ngây thơ cho rằng người khác cũng không khác gì những ta mường tượng về họ… Tất cả những nội dung vô thức của ta vẫn luôn được phóng chiếu vào môi trường xung quanh, và chỉ khi nào ta nhận ra một số thuộc tính của khách thể là kết quả của sự phóng chiếu hay ảnh tượng [imagos | hình ảnh tưởng tượng], thì ta có thể phân biệt được chúng với những thuộc tính thực sự của khách thể... Với tâm lý bán tín bán nghi, ta sẽ luôn thấy những lỗi lầm mà mình không muốn thừa nhận ở nơi người khác. Những ví dụ minh họa tuyệt vời nhất cho luận điểm này có thể dễ dàng tìm thấy trong những cuộc cãi lộn. Trừ khi ta có khả năng tự ý thức cao độ, ta sẽ không bao giờ nhìn thấu được [lớp màn] phóng chiếu, mà ta sẽ thường xuyên rơi vào cái bẫy của nó, bởi trong tình trạng tự nhiên của tâm trí, nó mặc định sự tồn tại của cơ chế phóng chiếu. Nói cách khác, những nội dung vô thức được phóng chiếu là lẽ tự nhiên và tất nhiên. ["General Aspects of Dream Psychology," ibid., par. 507.]"

Chữ “phóng chiếu” ở đây hàm ý một nội dung chủ quan được đưa sang (expulsion|trừu xuất, kéo ra) một khách thể (object | đối tượng bên ngoài); nó trái ngược với cơ chế nội chiếu (introjection | nội phóng). Vì vậy, nó là một tiến trình dị hóa (dissimilation), qua đó một nội dung chủ quan trở nên xa lạ với chủ thể và được hiện thân ở nơi khách thể. Chủ thể loại bỏ những nội dung không thích hợp, đau thương bằng cách phóng chiếu chúng [sang người khác]. [Definitions," CW 6, par. 783.]

Phóng chiếu không phải là một tiến trình có ý thức. Người ta tình cờ gặp gỡ, hội ngộ với phóng chiếu, chứ không tạo ra chúng.

Lý do về mặt tâm lý nói chung của sự phóng chiếu luôn là một nội dung vô thức được kích hoạt tìm cách bộc lộ ra bên ngoài.

Người ta cũng có thể phóng chiếu những nét tính cách nhất định lên người khác trong khi người này thực ra lại không hề sở hữu những nét tính cách đó. Nhưng rất có thể người bị phóng chiếu lại vô tình khuyến khích cơ chế này.

Một tình huống hay xảy ra là khách thể cũng thường có những điểm tương đồng với nội dung được phóng chiếu vào mình, và thậm chí họ còn có xu hướng khêu gợi cơ chế này. Nói chung điều này đặc biệt đúng khi chính bản thân khách thể (anh/cô ta) không ý thức được phẩm chất đang bị phóng chiếu vào mình: do đó nó tác động trực tiếp vào vô thức của người bị phóng chiếu. Bởi mọi sự phóng chiếu đều khiêu khích sự phóng chiếu ngược lại khi khách thể hoàn toàn không ý thức gì về phẩm chất được chủ thể phóng chiếu lên mình. 

Thông qua cơ chế phóng chiếu, người ta tạo ra một loạt những mối quan hệ tưởng tượng mà thường là ít liên quan hoặc không liên quan gì đế thế giới thực.

Hệ quả của tiến trình phóng chiếu là chủ thể bị cô lập khỏi môi trường xung quanh họ, bởi thay vì có một mối quan hệ chân thực với nó, giờ đây người ta chỉ có một mối quan hệ hư ảo, hão huyền với nó. 

Phóng chiếu “phù phép” thế giới xung quanh thành một bản sao của khuôn mặt/khía cạnh khác của ta, mà ta lại chưa từng biết tới. Do đó, khi phân tích đến cùng, chúng sẽ dẫn tới tình trạng thủ dâm "tư tưởng" (autoerotic) hay chìm đắm (autism | tự kỷ) trong thế giới của riêng mình. Khi đó ta luôn mơ mộng viển vông về một thế giới mà ta sẽ mãi mãi không bao giờ có thể chạm tới được.

Phóng chiếu cũng có những hệ quá tích cực. Trong đời sống hằng ngày, nó hỗ trợ cho những mối quan hệ giữa người với người. Hơn nữa, khi ta cho rằng phẩm chất hay tính cách nào đó hiện diện ở nơi người khác, rồi sau đó, lại nhận ra không phải như vậy, thì ta có thể hiểu hơn về chính mình. Điều này dẫn tới sự thu hồi hay sự giải trừ phóng chiếu.

Chừng nào năng lượng tâm lý (libido) còn có thể sử dụng cơ chế phóng chiếu này như là những cây cầu thuận tiện và thích hợp để đi tới thế giới bên ngoài, chúng sẽ xoa dịu cuộc sống theo cách tích cực. Nhưng ngay khi năng lượng tâm lý muốn chuyển sang một đường hướng khác, và vì mục đích này nó bắt đầu chạy ngược lại cây cầu phóng chiếu trước kia, chúng sẽ đóng vai trò như những trở ngại lớn lao nhất mà ta có thể tưởng tượng được, bởi chúng ngăn chặn cực kỳ hiệu quả bất cứ sự tách rời thực sự nào khỏi khách thể trước đó [được phóng chiếu vào].

Nói chung thì, dấu hiệu của nhu cầu thu hồi tiến trình phóng chiếu là khi trong những mối quan hệ, những mong đợi gây cho người ta cảm giác bực bội, cùng với những xúc cảm mạnh mẽ. Nhưng Jung tin rằng chỉ đến khi nào sự bất đồng rõ rệt giữa những gì chúng ta tưởng là thực và chính bản thân thực tại, được phơi bày ra trước mặt, còn không thì người ta sẽ không có nhu cầu để ý tới cơ chế phóng chiếu, cũng chẳng thèm đoái hoài gì đến việc thu hồi chúng về.
 
Người ta chỉ để ý tới cơ chế phóng chiêu khi họ nảy sinh nhu cầu đồng hoá căn tính với khách thể. Nhu cầu này nảy sinh khi căn tính trở thành một yếu tố gây khó chịu. Tức là sự vắng mặt của nội dung được phóng chiếu cản trở sự thích ứng và người ta mong muốn thu hồi lại những gì vốn thuộc về mình.
 
Jung phân biệt giữa phóng chiếu chủ động và phóng chiếu thụ động. Phóng chiếu thụ động thì hoàn toàn tự động và không chủ ý, giống như khi người ta yêu nhau vậy. Ta càng biết về người kia ít bao nhiêu, thì ta càng dễ dàng phóng chiếu thụ động những phương diện vô thức của mình vào họ.
 
Phóng chiếu chủ động còn được người ta biết tới dưới tên gọi “đồng cảm" (empathy) - ta đặt mình vào vị trí của người khác. Đồng cảm có thể mở rộng đến mức ta rời bỏ vai trò khách thể của mình, để đồng hoá với người khác.

Thông thường thì cái bóng âm của một cá nhân hay được phóng chiếu vào người có cùng giới tính với họ. Trên phương diện cộng đồng, nó là thủ phạm gây ra chiến tranh, thói tìm nạn nhân để đổ tội (scapegoating), xung đột giữa các đảng phái chính trị. Trong ngữ cảnh của mối quan hệ trị liệu, phóng chiếu được gọi là chuyển dịch (transference) hay chuyển dịch ngược (countertransference), phụ thuộc vào việc người được phân tâm hay nhà phân tâm đang phóng chiếu.

Đối với mặc cảm dị giới như ẩn nữ (anima) hay ẩn nam (animus), cơ chế phóng chiếu vừa là nguyên do thông thường của oán thù, vừa là nguyên do đơn nhất của sức sống.
 
Khi ẩn nam và ẩn nữ gặp gỡ nhau, ẩn nam thu lại thanh gươm đầy sức mạnh và ẩn nữ tung ra lọ thuốc độc gây ảo tưởng và quyến rũ. Không phải lúc nào kết quả cũng là tiêu cực, bởi cả hai người đều đang yêu đương say đắm như nhau.
 
Nguồn: David Sharp, Jung Lexicon
Đỗ Hoàng Tùng dịch