Tuesday, April 29, 2014

Tôi sống trong địa ngục...


Tôi sống trong địa ngục thẳm sâu nhất trong lòng mình và ở đó tôi không thể nào ngã xuống sâu hơn. - C. G. Jung 

* * *

Jung cho ta cái cảm tưởng rằng ông sống với hạnh nguyện của Bồ-tát Địa tạng. Theo kinh điển của Phật giáo Đại thừa, vị Bồ-tát này đã phát nguyện:  “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ-đề.” Có nghĩa là: Địa ngục chưa trống không, tôi thề không thành Phật; chúng sanh độ hết rồi, tôi mới chứng Bồ-đề. 

Trên phương diện tâm lý, chúng sinh trong địa ngục tượng trưng cho những khổ đau, tuyệt vọng, u mê ở miền vô thức sâu thẳm bên trong mỗi người mà chẳng ai muốn đoái hoài tới. 

Phải thực sự dũng cảm, từ bi và kiên nhẫn thì người ta mới có thể làm được như Jung, như Bồ-tát Địa tạng. Và đó cũng là cách duy nhất để người ta chuyển hóa địa ngục trong lòng mình.

Hình bóng người phụ nữ vĩnh cửu...



"Người đàn ông nào cũng đều mang trong tâm hồn mình hình bóng người phụ nữ vĩnh cửu, không phải hình bóng của một người phụ nữ cụ thể nào đó, mà là hình bóng yểu điệu, dịu dàng, mang đặc trưng nữ tính.


Về căn bản hình bóng này là vô thức, là yếu tố di truyền từ nguồn gốc nguyên thủy được khắc ghi vào trong bộ máy cơ thể con người, một dấu ấn, hay "nguyên mẫu" của tất cả kinh nghiệm tổ tiên về người phụ nữ."



"Every man carries within him the eternal image of woman, not the image of this or that particular woman, but a definite feminine image.


This image is fundamentally unconscious, an hereditary factor of primordial origin imprintd in the living organic system of the man, an imprint, or "archetype" of all the ancestral experiences of the female." 

Carl Gustav Jung, The Development Of Personality

* * * 

"Bạn là nô lệ cho những gì bạn khát khao trong tâm hồn mình. 

Những người mạnh mẽ, đầy nam tính nhất luôn khát khao phụ nữ, và do vậy, anh ta là nô lệ của họ. Hãy tự biến mình thành một người nữ, và bạn sẽ thoát khỏi cảnh làm nô lệ cho họ. 



Sẽ rất hay nếu bạn thử một lần mặc quần áo phụ nữ: người ta sẽ cười vào mặt bạn, nhưng nhờ việc trở thành người nữ, bạn sẽ có được tự do trước họ cũng sự độc tài chuyên chế của họ. Sự chấp nhận nữ tính như thế sẽ dẫn tới sự thành toàn (mãn nguyện, đầy đủ)." 


Điều tương tự cũng đúng cho những phụ nữ chấp nhận nam tính trong mình."

"You are a slave of what you need in your soul.

The most masculine man needs women, and he is consequently their slave. Become a woman yourself, and you will be saved from slavery to woman…. 

It is good for you once to put on women’s clothes: people will laugh at you, but through becoming a woman you attain freedom from women and their tyranny. The acceptance of femininity leads to completion. 

The same is valid for the woman who accepts her masculinity." 

The Red Book, pp 263-264

Saturday, April 26, 2014

Trái đất cũng có tâm hồn....


"Mỗi quốc gia hay dân tộc đều có vị thần của riêng mình, 
cũng giống như trái đất có tâm hồn."

“Every country or people has its own angel, just as the earth has a soul.”

C. G. Jung

Wednesday, April 23, 2014

Bóng âm và chuyển hóa*


Thuật ngữ “bóng âm” (shadow) là để chỉ “mặt tối” (dark side) của tâm thức – các phương diện trong chính bản thân đã bị chúng ta ngăn tách, chối bỏ, phủ nhận, lảng tránh, phóng chiếu chúng lên những người khác cũng như không công nhận chúng. Trong ngôn ngữ của ngành tâm lý trị liệu, bóng âm là để biểu thị “phần vô thức bị đè nén” (repressed unconscious) – bị đè nén bởi vì chúng ta đã “đẩy” (push) hay “ép” (press) nó ra khỏi hữu thức của mình, và vô thức bởi vì chúng ta không nhận thức được nó!


Nhưng có một sự thực là [dù] chúng ta không ý thức hay nhận thức được bóng âm [thì] không có nghĩa là nó không có ảnh hưởng nào hết: nó chỉ biểu lộ mình qua những phương tiện méo mó và không lành mạnh – hay những gì thường được gọi là chứng nhiễu tâm (neuroses) (1).


Một trong những lợi ích lớn lao nhất của việc chuyển hóa bóng âm là nó giải phóng nguồn năng lượng đáng ra sẽ bị tiêu tốn cho việc vật lộn, chiến đấu với bóng âm trong nội tâm mình. Duy trì bóng âm là một công việc vất vả! Nó tiêu tốn rất nhiều năng lượng để luôn ngụy trang cho những khía cạnh mà bản thân ta không thích trong mình. Chuyển hóa bóng âm giải phóng nguồn năng lượng đó, thứ mà chúng ta có thể sử dụng cho sự trưởng thành và chuyển hóa.


Hãy tưởng tượng rằng năng lượng bạn sẵn có cho sự chuyển hóa được tượng trưng bằng một tài khoản ngân hàng với 600$ trong đó, và bạn cần tới 800$ để đạt tới giai đoạn tiếp theo của sự phát triển [bản thân]. Nhưng nếu bạn có một khoản tiền 400$ bị mắc kẹt trong vô thức bị đè nén của mình thì sao? Nếu bạn có thể lấy ra được 200$ từ “khoản tiền-năng lượng” đó, nó sẽ đủ để đưa bạn tới giai đoạn tiếp theo. Chuyển hóa bóng âm không chỉ xoa dịu những đau đớn và khổ sở luôn có khi phải “chiến đấu” với những rắc rối do xung đột trong hệ tâm lý gây ra (psychodynamic issues) (2) – nó còn có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự trưởng thành và trì trệ.

Tâm lý trị liệu và chuyển hóa bóng âm là một trong những đóng góp quan trọng nhất của phương Tây hiện đại với nỗ lực thực hành chuyển hóa bản thân. Những truyền thống tâm linh cổ xưa có thể có sự hiểu biết rất sâu sắc về sự phát triển tâm linh, nhưng họ không đề cập một cách thỏa đáng về bóng âm. Thực tế, một trong những sai lầm lớn của các truyền thống tâm linh là cho rằng những sự thực tập chẳng hạn như thiền có thể chuyển hoàn toàn bộ cá nhân, trong khi nói chung họ bỏ rơi một số khía cạnh rất quan trọng của cái tôi, trong đó đặc biệt là bóng âm. Kết quả là, quá thường xuyên, sự thực chứng của các trạng thái ý thức cao hơn lại không có sự hợp nhất một cách ý thức và chặt chẽ tương ứng với mặt tối của hành giả.


Freud đã mắc phải nhiều sai lầm nghiêm trọng, và hạ bệ ông đang trở thành một trào lưu, nhưng cái nhìn sâu sắc của ông về bản chất của bóng âm vẫn còn nguyên giá trị: các cảm xúc và xung lực không được chấp nhận bị đè nén khỏi nhận thức ý thức của chúng ta, nơi chúng sẽ lén lút định hình cuộc đời ta.


Hằng thập kỷ qua, các công trình nghiên cứu về bóng âm của các nhà nghiên cứu và chuyên gia tâm lý trị liệu khắp thế giới đã chứng minh hết lần này đến này khác cái nhìn sâu sắc căn bản này về bản chất của bóng âm.



Vấn đề phức tạp ở chỗ, chính bản chất của bóng âm là duy trì sự che giấu khỏi nhận thức. Ít nhất thì phần nào đó, bạn không muốn nhìn thấy bóng âm của mình. Đó là lý do vì sao cần phải có một cách đặc biệt để đưa nó ra [ánh sáng]. Nhưng cho đến khi nó bị lộ diện, nó sẽ có xu hướng một cách tinh tế áp đặt bản tính u tối của nó lên các hành vi và lựa chọn của bạn, đôi khi còn làm hỏng toàn bộ cuộc đời bạn.


Dù bạn có thích nó hay không, đây là sự lựa chọn của bạn:
  • Làm chủ bóng âm của bạn. Đó là, dụng công để ý thức được các khát khao, cảm xúc, nhu cầu và tiềm năng bị đè nén trong vô thức, để có thể đưa ra những lựa chọn tự do hơn trong cuộc đời… 
  • Hay là bị nó làm chủ. Đó là, để cho những khát khao và cảm xúc không được công nhận của bạn định hình lên kết quả cuộc đời bạn, hoàn toàn tách biệt với các lựa chọn ý thức của bạn. 
Ken Wilber et al, Integral Life Practice: A 21st-Century Blueprint for Physical Health, Emotional Balance, Mental Clarity, and Spiritual Awakening
Đỗ Hoàng Tùng trích dịch

Chú thích:

(*) Tiểu tựa này do người dịch (ND) tạm đặt.

1. Nhiễm tâm: Rối loạn tâm lý không dẫn đến tan rã nhân cách, nhưng gây khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, do những triệu chứng mà người ta thường hay gọi là "dở hơi" (như) lo hãi vô cớ, ám sợ, ám ảnh, lên cơn hystêxi (x. các từ này), bệnh chứng ở bộ phận này hay bộ phận khác nhưng không có gì rõ ràng.

Tâm lý học ngày nay xem đây là biểu hiện của những mối xung đột vô thức, liên quan chủ yếu đến mặc cảm Ởđip: lo hãi nhằm ngăn cản bộc lộ ham muốn dục vọng, và thất bại trong sự chống đỡ với những xung lực bản năng làm cho những biểu hiện vô thức chiếm lấy một phần của hoạt động tâm lý ý thức...

Nguồn: Từ điểm Tâm lý - Nguyễn Khắc Viện chủ biên

2. Theo phân tâm học, xung đột ở đây là giữa động cơ ý thức và động cơ vô thức. (ND)

Monday, April 21, 2014

Lảng tránh tổn thương tâm lý


Dù ý thức hay vô thức, các thiền giả phương Tây có thể dùng thiền tập để lảng tránh đối mặt với các thử thách trong quá trình trưởng thành cũng như những tổn thương tâm lý trong quá khứ. Thực ra, nên giải quyết các vấn đề này bằng tâm lý trị liệu thì tốt hơn. Một vài thiền sư rao giảng thông điệp rằng sự giác ngộ hay sự nhìn thấu cái tôi giả tạo, đi đến tận gốc rễ khổ đau của con người, và nhờ đó nhổ bật gốc rễ các vướng mắc trong cảm xúc cá nhân. Nhưng không may là, đây lại không phải là vấn đề. Giác ngộ là nhìn thấu ảo tưởng về cái tôi, nhưng chưa chắc đã là cách để chữa lành cho cái tôi bị thương tổn. Thực ra, các tổn thương vẫn có thể tiếp tục tồn tại, lẩn trốn khỏi bề mặt ý thức, và vẫn hoạt động phần nhiều y hệt như trước khi giác ngộ.

Các quan niệm sai lệch, đầy hấp dẫn về giác ngộ coi nó như là một sự kiện trừu tượng, bất biến, giúp người ta đổi đời, chỉ một lần giải quyết được tất cả mọi vấn đề, một thứ sẽ giúp người ta gột sạch tất cả mọi loại đau khổ và khiếm khuyết của con người. Trải nghiệm giác ngộ có thể nông hay sâu, tổn tại trong thời gian ngắn hay dài, nhưng dù thế nào, chúng vẫn có khả năng là một sự phát triển bất tận và là một phần của một chuỗi tiệm tiến. Trải nghiệm giác ngộ có thể tạm thời giúp xoa dịu những tổn thương nhưng nếu chúng vẫn hoạt động, hành giả sẽ không thể nào đưa được những kinh nghiệm giác ngộ vào đời sống hàng ngày và có thể dùng tâm linh để trốn tránh đương đầu với chính những vết thương này. Engler đã nói một câu nổi tiếng rằng, bạn cần phải là ai đó trước khi bạn có thể là không ai cả. Nhiều thiền sinh bị say mê hành thiền rất có thể mắc phải sai lầm khi cố gắng né tránh hay vượt lên các thử thách quan trọng trong quá trỉnh trưởng thành tâm lý bằng cách tiêu diệt cái tôi bằng bất cứ giá nào. Từ quan điểm tâm lý học phát triển, hợp thành một cấu trúc cái tôi cố kết, tách biệt là điều cần thiết trước khi cam kết hành thiền quyết liệt để nhìn thấu bản chất cái tôi. Mức cố kết tối thiểu này đã được coi như mặc định trong tư tưởng Phật giáo: dù Thiền tông nhấn mạnh vào việc nhìn thấy bản chất cái tôi, thì chính là bởi vì truyền thống này đã mặc nhiên thừa nhận tính trọng yếu của nó trong sự trưởng thành tâm lý. Ban đầu, Engler cho rằng cấu trúc cái tôi vững chắc, căn bản này phải có trước sự nhìn thấu ảo tưởng tối hậu về cái tôi. Nhưng gần đây, Engler đã bổ khuyết cho quan điểm của mình và ông nói rằng tiến trình này không nhất thiết phải là tuyến tính (tức là theo trình tự trước sau cố định), bởi đời sống tâm linh và tâm lý đan xen lẫn nhau, nên việc ta làm trong cả hai cảnh giới có thể tiến triển đồng thời. 

Katherine V.Masís, American Zen and psychotherapy: an ongoing dialogue, Awakening and Insight: Zen Buddhism and Psychotherapy

Đỗ Hoàng Tùng trích dịch

Monday, April 7, 2014

Tu tập tâm linh chưa dành cho ai?*


Về cơ bản, các trường phái thiền tập và yoga giả định rằng những người đến với các pháp tu này là những người có tâm lý tương đối lành mạnh, không bị tổn thương gì nhiều, và có thôi thúc theo xu hướng tâm linh... Những trường phái này không nhắm tới việc giúp đỡ những người bị tổn thương sâu sắc do bị lạm dụng tình dục, hãm hiếp, thương tật, bạo lực, ốm đau hay bất kỳ điều gì kinh khủng khác mà người ta rất có thể đã phải trải qua. Những kinh nghiệm đau thương đó cần phải có sự quan tâm đặc biệt để người ta có thể khéo léo vượt qua chúng. 

Chỉ với các pháp tu thông thường trong các trường phái thiền tập hay Kundalini thì sẽ không thể nào hỗ trợ hiệu quả cho những người đã đi qua những chuyện đau thương như thế. Nếu bạn là một người đã trải qua những chuyện như vậy, thì bằng mọi cách, bạn phải tìm ra cho mình sự trợ giúp phù hợp... Lòng từ bi (thương xót) cho bản thân buộc bạn phải tìm ra sự trợ giúp phù hợp nhất cho mình.

Lawrence Edwards, Awakening Kundalini 
Đỗ Hoàng Tùng dịch

(*) Tiểu tựa này do người dịch tạm đặt.

Tiến sĩ Lawrence Edwards đã thực hành và dạy thiền trên 40 năm qua. Ông là nhà trị liệu thần kinh, nhà trị liệu tâm lý được công nhận, làm việc tại Đại học Y New York (New York Medical College) từ năm 1998 tới nay.

Chạy trốn vào thiền


Nhiều người trong chúng ta ngồi thiền để chạy trốn khổ đau... chúng ta hành xử giống như chú thỏ chạy về, chui thụt vào hang để cảm thấy an toàn... Chúng ta làm như vậy bởi vì chúng ta có quá nhiều đau khổ, chúng ta muốn giải lao, muốn chạy trốn. Nhưng đó không phải là mục đích đúng đắn của thiền tập. Chúng ta phải dùng trí lực và định lực để có được cái hiểu sâu sắc (tuệ), chuyển hóa nỗi khổ đau bên trong tâm hồn mình, và trở thành một vị Phật, một người giác ngộ, một người tự do... Không có khổ đau, không có sự thấu hiểu khổ đau, hạnh phúc đích thực là điều không thể có. 


Many of us practice sitting meditation in order to run away from suffering... we behave like a rabbit going back into its hole in the earth in order to feel protected...We do this because we suffer so much, we want some kind of rest, some kind of running away. But that is not the true purpose of meditation...We have to use our intelligence and concentration to get insight, transform the suffering within, and become a Buddha, an enlightened one, a free person... Without suffering, without the understanding of suffering, true happiness is impossible.

Thich Nhat Hanh, Reconciliation: Healing the Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Đối mặt khổ đau




Cho đến ngày bạn chữa lành những tổn thương trong quá khứ của mình, tâm hồn bạn sẽ vẫn còn “rỉ máu”. Bạn có thể băng bó, che đậy chúng bằng thức ăn, rượu bia, chất gây nghiện, công việc. thuốc lá, tình dục, thì cuối cùng, chúng vẫn sẽ rỉ máu và hủy hoại cuộc đời bạn.

Bạn phải có lòng can đảm để cho vết thương được lộ ra, phải thọc tay vào “nhổ bật” gốc rễ của nỗi khổ đau, những thứ đã níu giữ bạn lại trong quá khứ. cùng những ký ức và làm lành với chúng. 

Iyanla Vanzant

Friday, April 4, 2014

Ba cách chuyển hóa đau khổ



What can we do to transform our deep-rooted seeds of suffering? There are three ways to work with them.

Chúng ta có thể làm gì để chuyển hóa những hạt giống khổ đau thâm căn cố đế? Có ba cách để xử lý chúng.


The first is to focus on sowing and watering our seeds of happiness. We do not work directly with the seeds of suffering, but instead we allow seeds of happiness to transform them. This is indirect transformation.

Cách đầu tiên là tập trung vào việc gieo trồng và tưới tẩm các hạt giống an lạc. Chúng ta không trực tiếp xử lý những hạt giống đau khổ, mà thay vào đó để cho những hạt giống an lạc chuyển hóa chúng. Đây là sự chuyển hóa gián tiếp.

The second way is to practice mindfulness continuously, so that when seeds of suffering arise, we are able to recognize them. Every time they manifest, we bathe them in the light of mindfulness. Our seeds are a field of energy, and mindfulness is also a field of energy. When the seeds are in contact with mindfulness, they will weaken; mindfulness transforms them.

Cách thứ hai là thực tập chánh niệm tỉnh giác miên mật, để mỗi khi các hạt giống đau khổ khởi lên, chúng ta có thể nhận diện được chúng. Mỗi khi chúng hiển lộ, chúng ta tưới tẩm chúng cho bằng ánh sáng của chánh niệm tỉnh giác. Các hạt giống đó là một trường năng lượng và chánh niệm cũng là một trường năng lượng. Khi các hạt giống đó được tiếp xúc với chánh niệm tỉnh giác, chúng sẽ yếu dần đi, chánh niệm tỉnh giác sẽ chuyển hóa chúng.

The third way to deal with the afflictions that have been with us since childhood is to deliberately invite them up into our mind consciousness. We invite the sadness, despair, regrets, longings that in the past have been difficult for us to touch, and we sit down and talk with them like old friends. But before we invite them up, we must be sure that the lamp of our mindfulness is lit and that its light is steady and strong.

Cách thứ ba để giải quyết phiền não đã ở trong ta từ thời thơ ấu là chủ động mời chúng đi lên bình diện ý thức. Chúng ta mời các đau khổ, tuyệt vọng, hối hận và khát khao mà trong quá khứ chúng ta gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với chúng. Chúng ta ngồi xuống và nói chuyện với chúng như những người bạn cũ lâu ngày không gặp. Nhưng trước khi chúng ta mời chúng lên bề mặt ý thức, chúng ta cần phải chắc rằng ngọn đèn chánh niệm tỉnh giác đang chiếu soi, ánh sáng của nó vững vàng và mạnh mẽ.


Thich Nhat Hanh, Reconciliation: Healing the Inner Child

Đỗ Hoàng Tùng dịch