Friday, March 27, 2015

Đi tìm người yêu muôn thủa nơi đâu?

"Anh nài đi lạc" (1948) - René Magritte

Trong album "10 bài Đạo ca" của Phạm Duy, bài số 3 mang tựa đề "Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng (Ảo hóa)", có đoạn dẫn nhập đầy ẩn dụ như sau: 
"Đưa ra hình ảnh một chàng dũng sĩ cưỡi con ngựa vàng đi tìm người yêu muôn thủa. Đi hết năm tháng, đi khắp mọi nơi, đi cho tới khi áo bào đã sờn rách, ngựa hồng đã đổi lông mà vẫn không kiếm ra người yêu lý tưởng. Thế rồi một hôm, đi qua con sông gầm sóng, ngựa vàng bỗng hóa thành người đẹp mà dũng sĩ ra công đi tìm. Thì ra, bấy lâu nay chàng dũng sĩ ngồi lên sự thực mà không biết."
Mới nghe qua, ta những tưởng chàng dũng sĩ, với khát khao "đi tìm người yêu muôn thủa", đang cầm cương điều khiển chú ngựa phi nước đại. Nhưng đó chỉ là biểu hiện trên bề mặt, trên phương diện hình tướng. Câu chuyện với tình tiết đầy kỳ ảo của Phạm Duy buộc ta phải đào sâu hơn thế.

Dưới nhãn quan tâm lý học phân tích (analytic psychology), ta có thể hiểu con ngựa ở đây biểu tượng cho nguồn sinh lực trong tâm hồn chàng dũng sĩ. Nói cách khác, con ngựa-dục vọng mới chính là cái thôi thúc chàng dũng sĩ cất bước đi tìm người tình lý tưởng. Bởi theo Marie-Louise von Franz, thì "loài ngựa biểu tượng cho một dạng sinh lực bên trong tâm hồn có thể khơi dậy suối nguồn vô thức. (Horse symbolizes a kind of domesticated vital libido which bring forth the well of unconscious.) (1) 

Qua biết bao nhiêu năm tháng đi tìm kiếm, từ hăm hở hy vọng đến tuyệt vọng buông xuôi, trước "con sông sóng gầm", cái tôi của chàng dũng sĩ mới biết chấp nhận sự thật: chằng thể "hướng ngoại cầu huyền."

Cũng chính vào lúc đó, nguồn sinh lực từ trong vô thức trỗi dậy, chàng dũng sĩ mới nhận ra sự thật: người yêu lý tưởng và bất tử vốn đã có sẵn trong lòng mình. Con ngựa vàng ở đây chính là hình ảnh tượng trưng cho nữ tính ẩn tàng trong tâm thức chàng dũng sĩ. Phần nữ tính trong người nam đó, cái tôi nữ tính đó, 
(có người dịch là "linh âm") Jung gọi đó là anima.

Nhưng không hướng ngoại cầu huyền mới chỉ là điều kiện cần, còn để cho người tình muôn thủa trong ta thức dậy, thì còn rất nhiều việc phải làm. Jung khuyên ta nên chủ động tưởng tượng ra một hình tướng cho nàng, rồi hằng ngày ngồi đối thoại với nàng (2). Aletheia Luna thì cho ta nhiều lời khuyên hơn (3). Cụ thể như sau:
  • Thực tập lắng nghe với sự quan tâm chân thành và lòng từ bi
  • Tái khám phá cái tôi cảm xúc của bạn thông qua những cử chỉ ân cần, âu yếm 
  • Nuôi và chăm sóc một vài con vật, trồng và chăm bón một vài loại cây 
  • Suy xét về nhu cầu của những người xung quanh mình
  • Bộc lộ cái tôi nữ tính qua các hoạt động sáng tạo như âm nhạc, mỹ thuật, điêu khắc, thơ ca...
  • Thực tập chánh niệm, thiền quán hay các phương pháp khác để nhận diện và thấu hiểu những cảm xúc của mình
  • Mở rộng những mối quan tâm, sở thích sao cho cái tôi nữ tính hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của bạn
  • Thực tập tự tìm hiểu, khám quá bản thân, để hiểu rõ hơn về nhu yếu được hiểu, được thương, được đầy đủ, được viên mãn trong mình
Đỗ Hoàng Tùng

Ghi chú:

1. Marie-Louise von Franz, Shadow and Evil in Fairy Tales
2. David Sharp, Jung Lexicon
3. Aletheia Luna, Anima and Animus: How to Harmonize Your Masculine And Feminine Energies

Thursday, March 26, 2015

Vai trò của trẻ có cha mẹ nghiện ngập


Bên cạnh việc gia đình có người nghiện rượu, tình trạng nghiện ngập của bố mẹ cũng là vấn đề không nhỏ đối với tâm lý của con cái.

Nếu gia đình bạn luôn lảng tránh vấn đề này, cho rằng tình trạng nghiện ngập đó chỉ là một thói quen xấu hay do ý chí yếu ớt chứ không phải là một căn bệnh có thể "lây lan" cho cả gia đình thì đó quả là một nguy cơ lớn vì những đứa trẻ có bố mẹ nghiện ngập sẽ phải gánh vác một trong bốn vai trò sau:

Vai trò của một anh hùng trong gia đình

Đó là một đứa trẻ hết sức ngoan ngoãn và phục tùng. Nó sẽ luôn phải tạo ra những thành tích cao nhất mà nó đạt được trong mọi lĩnh vực. Thầy cô giáo và bố mẹ không bao giờ cảm thấy "có vấn đề" nơi đứa trẻ này, thậm chí nó còn trở thành niềm tự hào của gia đình và trường học.

Thực ra, rất nhiều điều những đứa trẻ ấy phải cố gắng làm lại không xuất phát từ niềm say mê của chính nó, mà chỉ đơn giản là nó muốn được người xung quanh cổ vũ, để người ta nhận ra nó, khen ngợi nó và để có thể là đứa trẻ tốt hơn mọi đứa khác.

Với những suy nghĩ và hành động kiểu ấy, đứa trẻ sẽ có vẻ gần giồng như một người lớn tý hon: nghiêm túc, trách nhiệm và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh. Nó sẽ vô cùng lo lắng trước bất kỳ lỗi lầm nào của mình, với nó, điểm 8, 9 cũng đã là một thảm họa. Nó không cho phép mình sai sót vì sai sót nghĩa là không hoàn hảo. Nó hoàn toàn không cảm thấy chính giá trị của mình, phẩm chất của mình mà chỉ cảm thấy điều đó khi được người xung quanh khen ngợi. Và thế là những người lớn trong gia đình sẽ thản nhiên đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai đứa trẻ ấy (những công việc nhà, chuyện trông nom các em nhỏ hay việc học hành...)

Khi đứa trẻ ấy lớn lên: Tinh thần sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm về mọi việc và thay cho tất cả mọi người sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời của họ. Những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ trở thành người vô cùng "ham công tiếc việc", chúng sẽ lựa chọn những người đồng hành có cảm xúc yếu đuối, bất lực thậm chí nghiện ngập, bởi chỉ những người đó mới luôn cần sự giúp đỡ, bảo bọc nương tựa. Và khi ở bên cạnh những người như thế, họ thấy mình có ý nghĩa và cần thiết. 

Vai trò của một vật hy sinh

Đó là đứa trẻ không đủ sức mạnh và khả năng để có thể nhận được những lời khen ngợi hay sự chú ý của người lớn xung quanh. Chúng ít khi được khen ngợi vì những thành tích đặc biệt, và chẳng ai chú ý đến việc động viên chúng. Nhưng, là một đứa trẻ, chúng vẫn cần được chú ý, vì thế chúng tìm đến điều đó bằng một con đường khác: chúng xấc xược, bỏ học, đánh nhau với bạn bè. Bên trong những đứa trẻ ấy luôn chất chứa sự đau đớn và cả lòng hận thù mà chúng không thể nào điều khiển nổi. Vì thế, chúng không có sức mạnh vượt qua những khó khăn mà chúng gặp phải trên đường đi.

Những đứa trẻ này rất sợ nhìn thấy hậu quả thực sự từ những hành động của mình. Thiếu thốn sự nâng đỡ cần thiết của người lớn, chúng tìm đến một cách khác để vượt qua những khó khăn của bản thân: chúng sẽ liên kết với những nhóm người mang đến cho chúng sự giúp đỡ ấy, rất nhiều đứa trẻ dạng này sẽ là con nghiện ma túy hay rượu chè và trở thành những tội phạm.

Những hành động "có vấn đề" của những đứa trẻ - vật hy sinh - thực hiện một vai trò lớn với gia đình : nó làm người ta quên lãng sự nghiện ngập của bố mẹ. Các bậc phụ huynh có thể phải lo lắng suốt ngày với việc xử lý những chuyện của chúng thay vì giải quyết những vấn đề của chính mình. Luôn luôn họ có thể đổ lỗi lên đầu vật hy sinh tội nghiệp này và có một cái cớ tuyệt vời để tìm đến những cảm xúc tiêu cực.

Khi đứa trẻ ấy lớn lên: Cứng đầu, thù địch, luôn đổ trút mọi trách nhiệm lên vai người khác, cá tính này sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai họ: họ khó thành công và không có khả năng hoàn thành những trách nhiệm của mình.

Vai trò của một chú hề

Đứa trẻ có thể sắm cho mình một cái mặt nạ chú hề: nó luôn luôn rất vui vẻ, hài hước, hay đùa giỡn làm vui cho mọi người. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự hài hước ấy cũng đúng chỗ và dần dần nó trở nên nguy hiểm với mọi người xung quanh. Đằng sau những hành động ấy của chúng là sự thiếu tự tin vào bản thân, nỗi sợ hãi xây dựng các mối quan hệ thân thiết, sợ những va chạm buồn khổ có thể xảy ra.

Đứa trẻ luôn sợ bị chế nhạo và vì thế nó quay ra chế nhạo mọi người, thậm chí chế nhạo chính bản thân và tự nghĩ rằng: "chả có gì quan trọng". Những người lớn thường phạm phải sai lầm khi nghĩ rằng với chúng đúng là "chả có gì quan trọng", dù là cười nhạo mọi người hay bị mọi người cười nhạo.

Khi bắt đầu trở thành một chú hề, đứa trẻ không bao giờ dừng chuyện đó lại được. Nếu bạn chỉ có một mình với nó, nó có thể rất nghiêm trang, nhưng chỉ cần rơi vào một nhóm bạn bè cùng tuổi là nó thay đổi ngay, bắt đầu nhạo báng người xung quanh.

Những hành động đó của đứa trẻ chính là để thoát khỏi sự căng thẳng của gia đình, để có được cảm giác thoải mái, nhẹ nhõm. Không khí gia đình càng căng thẳng, nó càng muốn "sáng tác " ra những trò hề mới để quên đi mọi chuyện. Điều đó biến thành phong cách sống của nó: khi những vấn đề nghiêm trọng xuất hiện, nó sẽ cố gắng làm dịu bớt chuyện đó bằng sự vui đùa, miễn là không phải đối diện với thực tế, không phải giải quyết chúng.

Khi đứa trẻ ấy lớn lên: Những đứa trẻ này sẽ vĩnh viễn là chú hề, chúng không bao giờ trưởng thành, chín chắn và không có khả năng xây dựng những mối quan hệ tình cảm sâu sắc

Vai trò một thiên thần bí mật

Với những đứa trẻ này, cha mẹ chúng thật thoải mái: "Dù cuộc sống có phức tạp đến đâu, chỉ cần may mắn có một đứa con như thế là đủ, chẳng phải lo lắng gì về nó, nó cứ tự lớn lên mà mình không kịp nhận ra". Đó sẽ là những đứa trẻ rất trầm lặng, rụt rè, chúng có thể ngồi một mình cả ngày với những ước mơ, tưởng tượng, không để ý đến mọi mâu thuẫn trong nhà. Nó thường có rất ít bạn bè mà có mối liên hệ mất thiết hơn với những món đồ đạc. Và, sẽ rất hiếm khi bạn phải băn khoăn với những câu hỏi như: lẽ nào nó không cần thể hiện ý nghĩ của mình? lẽ nào nó không bao giờ bất bình hay giận dữ?

Tất nhiên sự thực không phải như thế. Những đứa trẻ này cư xử như vậy chỉ vì nó luôn có cảm giác về sự hiện diện không cần thiết, không quan trọng của mình. "Chẳng ai quan tâm đến mình cả". Nó sống với tình cảm luôn sợ hãi, lo lắng rằng nếu có gì xảy ra, nó cũng chỉ có một mình trong khi cha mẹ cứ để nó sống như thế, hoàn toàn một mình, thậm chí còn tự hào về điều đó. Tài năng thực sự không bao giờ xuất hiện ở những đứa trẻ như thế, bởi chúng không chỉ không tin tưởng vào bản thân mà còn tin rằng chẳng có ai và chẳng có gì đáng quan tâm thực sự trên đời 

Khi đứa trẻ ấy lớn: Đó sẽ là những con người sống khép kín, ít có những điều thực sự cuốn hút anh ta. Trên cái nền tâm lý ấy sẽ xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, dẫn đến những căn bệnh thần kinh khác.

Tất cả những "mặt nạ" được miêu tả trên giúp cho đứa trẻ "sống sót" trong tình cảnh mà chúng rơi vào nhưng khi trưởng thành, chúng sẽ mang những vai trò ấy vào cuộc sống của mình và không thể tự thoát ra được. Vì thế, bất cứ đứa trẻ nào trong bốn loại trên, cũng cần đến sự giúp đỡ một cách hệ thống của các chuyên viên tâm lý, điều đó còn khó khăn hơn cả việc chạy chữa thói nghiện ngập của cha mẹ chúng.


Nguồn: afamily

Saturday, March 21, 2015

Tại sao lại cần mang roi mỗi khi đến gặp phụ nữ?



(Nhân đọc một đoạn sách "Zarathoustra" của Nietzsche)

Tại sao cần mang roi mỗi khi đến gặp một người nào đó? Có thể nghĩ là để trừng trị người ấy. Nhưng cũng có thể là vì sợ sệt, cảm thấy nhu cầu tự bảo vệ. Những thuyết giảng về phụ nữ của Zarathoustra cho thấy ông nhìn phái yếu như một đe dọa. Phụ nữ là : bí ẩn, nguy hiểm (dù dưới dạng "trò chơi"), là cay đắng, là biểu tượng của tương lai vô định, là kẻ gây lo sợ, khi yêu, và cả khi thù ghét, và rốt cuộc, khẳng định phụ nữ phải quy thuận nam giới, phải bị khắc phục...

Bà già, với chút chế diễu, đã khuyên Zarathoustra nên đem theo một cây roi mỗi khi đến với phụ nữ! Thật vậy, trước một phụ nữ, Zarathoustra chẳng là gì cả, nếu thiếu cây roi. Ông chỉ là một khối lo lắng, sợ sệt. Phụ nữ vuột khỏi tầm hiểu biết của ông, như lời bà lão, và ông chỉ có một phương cách duy nhất để làm chủ cái thực tại đầy bất trắc ấy, là: bạo lực. Zarathoustra có thể thuyết giảng như một vị thánh, nhưng, trước một người phụ nữ, ông chỉ là một đứa trẻ con. Với cây roi giấu trong áo!

Đoạn văn này làm tôi liên tưởng đến vở kịch "Kẻ Ghét Người" của Molière. Nhân vật chính, Alceste, yêu Célimène say đắm, nhưng anh ta không thể đến với Célimène mà không gây gổ, dạy dỗ, thậm chí mắng mỏ, chửi bới nàng. Tất cả những gì làm cho Célimène được mọi người yêu mến, như : tính tình vui vẻ, bặt thiệp, kết giao rộng rãi, thích hưởng thụ cuộc đời, đều bị Alceste lên án mạnh mẽ. Alceste viện cớ ghen tuông, mặc dù Célimène đã nói với anh là điều ấy không những vô lý, mà còn bất xứng với tình yêu của nàng, vì nàng đã tỏ lộ rõ ràng cho Alceste biết mình yêu anh ta, mặc dù sự thú nhận ấy, theo nàng, "không dễ dàng chút nào" ...

Thái độ của Alceste biểu hiện lời khuyên của bà lão trong "Zarathoustra" của Nietzsche : anh luôn tìm đến Célimène với cây roi, và nấp sau đó để che dấu sự yếu kém của mình. Thật vậy, Alceste hoàn toàn yếu kém. Khi cảm thấy không khuất phục nổi người yêu, thì chàng bèn xuống nước năn nỉ : "thôi, em cứ giả vờ trung thành đi, anh sẽ tin điều ấy !" Célimène khước từ sự dối trá này, cho rằng như thế là tự hạ thấp gía trị của mình. Alceste, con người ưu việt, khinh bỉ mọi sự nhân nhượng, giả dối, lúc nào cũng sẵn sàng "giáo hóa" Célimène, rốt cuộc lại chấp nhận một sự giả dối, trong khi Célimène vẫn giữ nguyên phong thái và cách sống của mình, kể cả khi bị xã hội quanh nàng chỉ trích, ruồng bỏ.Trong đoạn văn này, chúng ta nhận thấy Nietzsche, triết gia của "phả hệ của luân lý", người gắn bó với "giá trị của giá trị", hơn là với chính những giá trị, đã tạo ra một bà lão, để trả lời lại những "giáo hóa" của nhà "hiền triết", vị "đạo sư" Zarathoustra !

Nguyễn Hoài Vân

Tuesday, March 3, 2015

Lược khảo nguyên mẫu anh hùng


Nhập đề


Trong một buổi nói chuyện trên chương trình TED, Candy Chang kể rằng: Khi được hỏi: “Trước khi từ giã cõi đời này, bạn muốn làm gì?” (1) Có người đã đáp rằng: “Tôi muốn thử ăn cướp.” Câu trả lời ngổ ngáo này khiến một số người bật cười, một số khác thì nhăn mặt. Tuy nhiên, dưới góc nhìn tâm lý, nó hé lộ cho ta thấy một điều đầy ý nghĩa về tâm hồn con người. Có lẽ người nói ra câu trả lời trên không phải thực sự muốn đi ăn cướp mà “thử ăn cướp” chỉ là một hình ảnh bột phát mang tính biểu tượng của vô thức cho một sự kiện hiểm nguy, kịch tính nào đó trái ngược với cuộc sống hằng ngày trôi qua đều đều, tẻ nhạt. Và đó không phải là một trường hợp ngoại lệ. Thử hỏi trong cuộc đời mình, ai trong chúng ta lại chẳng có những phút giây bồng bột, muốn làm cái gì đó anh hùng, quái dị. hay thậm chí điên khùng? Và nếu phiêu lưu, mạo hiểm không có ý nghĩa gì với chúng ta, thì tại sao hầu hết chúng ta lại thích xem các bộ phim về cuộc đời những vị anh hùng liệt nữ? Hay tại sao người ta lại cứ thích vượt qua chơi những môn thể thao mạo hiểm như leo núi, đua xe? Bởi vì chỉ có những lúc ấy người ta mới cảm thấy có một nguồn năng lượng nào đó vốn ẩn tàng trong tâm hồn bỗng nhiên được giải phóng ra, giúp con người họ trở nên tỉnh táo, sáng suốt và tràn đầy sức sống. Và khi trải qua rồi, người ta lại cảm thấy mình mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn. Nguồn năng lượng đó tương ứng với cái được nhà tâm lý Carl Jung gọi là nguyên mẫu anh hùng. 

Từ khái niệm “nguyên mẫu”

Khi nghiên cứu hơn 80.000 giấc mơ, Carl Jung nhận thấy có rất nhiều giấc mơ không mang tính tiểu sử cá nhân, mà lại có nội dung tương đồng với thần thoại cổ tích. Điều này khiến ông đi đến giả thuyết rằng, ngoài vô thức cá nhân như Freud đã khám phá ra, còn có cả vô thức tập thể, “một tầng cấu trúc của tâm thức con người chứa đựng những yếu tố di truyền, hoàn toàn khác biệt so với vô thức cá nhân.” “Những yếu tố di truyền ấy” chính là nguyên mẫu.

Nguyên mẫu (“nguyên”: tự ban đầu, lúc ban sơ; “mẫu”: cái có thể sinh sản, nảy nở), hay một số người còn dịch là cổ mẫu, siêu mẫu, hay nguyên tượng, siêu tượng, mẫu tượng đều bắt nguồn từ thuật ngữ “archetype”. Theo ngữ căn La-tinh, “arche” có nghĩa là cái bắt đầu, khởi đầu, hay nguyên bản; còn “type” có nghĩa là khuôn mẫu, kiểu mẫu hay mô hình. Theo Jung thì, “archetype” hay nguyên mẫu là “các hình tượng cổ xưa phát xuất từ trong vô thức tập thể.” (Ancient or archaic images that derive from the collective unconscious.) Các nguyên mẫu này thường được biểu hiện ra như là những nhân vật điển hình, những nét tính cách đặc trưng được tìm thấy trong mọi nền văn hóa. Chẳng hạn như nguyên mẫu người hùng, bà phù thủy, kẻ lưu manh, anh hề... “Đó là những chủ đề đã tồn tại rất lâu trong tâm thức tập thể (collective soul), thể hiện những khát khao, tưởng tượng, và ước vọng sâu kín nhất của tâm thức tập thể. Những đề tài này còn mãi với thời gian. Ta bắt gặp nó trong văn chương của mọi thời đại. Nó thay hình đổi dạng tùy theo từng thời kỳ lịch sử, nhưng cốt lõi của nó vẫn là một.” (2) 

Nguyên mẫu bắt nguồn từ đâu mà ra? Chữ “yếu tố di truyền” cho ta cảm giác nguyên mẫu bắc nguồn từ bản năng sinh học. Đó cũng là nhận định ban đầu của Jung. Nhưng sau này, khi chứng kiến sự kiện trùng ứng (synchronicity) của nguyên mẫu, ông đã đi đến nhận định rằng nó nằm ở khoảng giữa tâm và vật, nơi mà Jung gọi là vùng “cận tâm” (psychoid).

Và khái niệm “anh hùng”...

Nhìn chung, khái niệm anh hùng được hiểu tương đối giống nhau qua các thời kỳ lịch sử và nền văn hóa. “Heros”, từ để chỉ anh hùng theo tiếng La-tinh có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, có nghĩa đen là canh giữ hay bảo vệ. Thần thoại Hy Lạp thì coi anh hùng thường là bán thần (demi-god), con của một vị thần bất tử và một người phàm tục. Về mặt lịch sử, trong các cuộc chiến tranh, một người anh hùng có thể xuất thân từ bất kỳ địa vị nào. Các nhân vật này, dù trong thần thoại hay lịch sử, đều đã đối mặt với nguy hiểm và nghịch cảnh, hay trong hoàn cảnh thân cô thế yếu, bằng lòng dũng cảm và ý chí kiên cường, thậm chí không ngại hy sinh thân mình vì sự lợi ích chung của dân tộc hay nhân loại. 

Ngày nay, khái niệm “anh hùng” không còn giới hạn trong thời chiến, mà còn để chỉ những cá nhân có những hy sinh, những hành động quả cảm vì người khác ngay trong thời bình, dù đó có thể chỉ là những hành động mang tính cách anh hùng chợt vụt sáng của một người bình thường. Họ thường được các phương tiện truyền thông tôn vinh là anh hùng giữa đời thường. Khi nghiên cứu về những trường hợp như thế, hai nhà tâm lý học người Mỹ Zeno Franco, Philip Zimbardo thì cốt lõi của chủ nghĩa anh hùng là cam kết của người đó với một mục đích cao quý và sự sẵn sàng chấp nhận những hệ quả của sự đấu tranh cho mục đích đó. (The core of heroism revolves around the individual’s commitment to a noble purpose and the willingness to accept the consequences of fighting for that purpose.) (2) Nhưng theo thiển ý người viết, thì đó mới chỉ là định nghĩa anh hùng trong mối tương quan với tha nhân (inter). Ta còn có có thể xem xét chủ nghĩa anh hùng dưới một góc độ khác: trong mối tương quan với chính mình (intra). 

Anh hùng là người vượt qua được vòng cương tỏa của cái tôi nhỏ bé, vốn vẫn luôn chi phối tâm thức con người. Cái tôi nhỏ bé là gì? Nó đã được nhà tâm lý trị liệu David Richo nhận diện qua bốn đặc trưng: sợ hãi (fear), bám luyến (attach), kiểm soát (control) và đòi hỏi (entitlement). Tức là, người ta luôn sợ hãi một điều gì đó, luôn bám luyến vào ai/vật gì đó, luôn muốn kiểm soát ai/vật gì đó và luôn đòi hỏi người khác/ xã hội/ cuộc đời phải chiều lòng mình. Anh hùng là người mà tâm hồn họ đã không còn vướng bận vào những điều như thế. Thế nên nhà thân thoại học Joseph Campbell mới nói: “Anh hùng là người dâng hiến cuộc đời mình cho điều gì đó lớn lao hơn chính bản thân họ.” (A hero is someone who has given his or her life to something bigger than oneself.) 

... Đến khái niệm “nguyên mẫu anh hùng”

Nhà tâm lý học phân tích James Hollis quan niệm: “Nguyên mẫu anh hùng có mặt trong tất cả chúng ta. Nó là một năng lực thiên bẩm giúp người ta huy động năng lượng đáp ứng trước cuộc sống, giúp người ta vượt qua những bóng ma tuyệt vọng và ưu uất. Sự bộc lộ của nguyên mẫu này không liên quan nhiều lắm tới những chiến công kỳ tích bên ngoài xã hội; mà nó bộc lộ ra khi người ta kêu gọi sức mạnh để đối diện với sợ hãi, đau đớn và mong muốn chui vào vỏ ốc." (3)

Nói một cách đơn giản, thì nguyên mẫu anh hùng là tiềm năng trở nên anh hùng trong mỗi tâm hồn chúng ta, là những chủng tử (hạt giống) của “dòng máu anh hùng” vốn có sẵn trong tâm địa (mảnh đất tâm thức) của chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, các hoạt động mà ta tham dự và các kinh nghiệm mà ta trải qua sẽ là những nhân duyên góp phần làm nảy nở những chủng tử ấy, giúp chúng từ vô thức trồi lên bề mặt ý thức. Ta có thể dễ dàng nhận diện ra chúng qua một số những ý tưởng và sắc thái cảm xúc rất đặc trưng. Chẳng hạn như nguồn năng lượng khuyến khích chúng ta vượt qua, chiến thắng cái tôi nhát gan và yếu đuối để trải qua khó khăn, thử thách để trở thành một người tự tin, mạnh mẽ và dũng cảm hơn. Các chủng tử ấy kêu gọi chúng ta mạo hiểm, thậm chí liều lĩnh bước vào những chuyến phiêu lưu mà cuộc đời đưa tới. Chẳng hạn như Frodo Baggins, chàng người lùn Hobbit bước vào chuyến hành trình phiêu lưu cùng chiếc nhẫn quyền lực trong tiểu thuyết Chúa Nhẫn của nhà văn J.R.R Tolkien. Hay nguồn năng lượng thôi thúc chúng ta hành động dũng cảm, cống hiến bản thân cho một lý tưởng cao đẹp vì hạnh phúc của người khác cũng là một biểu hiện rõ rệt của nguyên mẫu an hùng. Trong lịch sử, ta có thể thấy rõ tính anh hùng trong hành động sẵn sàng chấp nhận cái chết của Chúa Jesus hay Socrates.

Hành trình của người anh hùng

Sau khi nghiên cứu nguyên mẫu anh hùng trong thần thoại, sử thi và truyện cổ tích của các dân tộc trên thế giới, Joseph Campbell đã công bố tác phẩm Anh hùng muôn mặt (The Hero with a Thousand Faces) vào năm 1949. Công trình kinh điển này đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa xã hội phương Tây như văn chương, điện ảnh và kịch nghệ... cho tới tận ngày nay. Nhưng tại sao hết Jung, rồi đến Campbell lại phải tìm về truyện cổ tích, thần thoại? Bởi theo Jung thì: “Toàn thể khoa thần thoại có thể được coi như là một dạng phóng chiếu của vô thức tập thể.” (The whole of mythology could be taken as a sort of projection of collective unconscious.) Còn với Campbell thì: “Thần thoại là một lỗ hổng bí mật mà thông qua đó, năng lượng bất tận của vũ trụ xâm nhập vào con người.” (Myth is the secret opening through which the inexhaustible energies of the cosmos pour into human manifestation.) Ông cũng có nhận xét rất sâu sắc rằng: “Thần thoại là giấc mơ chung của cộng đồng, còn giấc mơ là thần thoại của riêng mỗi người.” (Myths are public dreams. Dreams are private myths.)


Trong các truyện thần thoại, ta thường thấy nổi bật lên các nhân vật anh hùng. Mặc dù cuộc đời của họ có thể được diễn biến theo rất nhiều cách khác nhau, nhưng theo Campbell thì hành trình của bất cứ người anh hùng nào cũng phải trải qua ba giai đoạn chính. Đó là rời quê hương, đi lưu lạc và quay trở về. Chẳng hạn như sự tích dưa hấu về người “anh hùng” Mai An Tiêm cũng đi qua ba giai đoạn như vậy. Chàng vốn xuất thân nô lệ, nhưng nhờ có tài nên được vua Hùng yêu mến, cho hưởng nhiều vinh hoa phú quý, lại gả cho con gái. Nhưng rồi do lời sàm tấu của vài viên quan hầu cận nhà vua, chàng cùng vợ bị đầy ra hoang đảo. Đây chính là giai đoạn rời bỏ quê hương. Đến đảo hoang, hai vợ chồng sống ở đảo đầy gian khó, may nhờ phát hiện ra giống dưa ăn vừa ngọt vừa mát nên làm ăn khấm khá. Quãng thời gian này tương ứng với giai đoạn lưu lạc và vượt qua khó khăn. Cuối cùng, hai vợ chồng chàng lại được đức vua gọi trở về đất liền, cho phục hồi lại chức cũ... Kết thúc có hậu này được gọi là giai đoạn hồi hương. 


Tuy nhiên, trong tác phẩm của mình, Campbell không chỉ vạch ra ba giai đoạn như trên, mà ông còn tổng kết lại những sự kiện chính trong hành trình điển hình của hầu hết các người anh hùng. Theo Campbell thì nguyên mẫu anh hùng thường hay có một xuất thân khác thường. Trong bối cảnh cuộc sống an phận thủ thường, yên bình nhưng tẻ nhạt, người anh hùng sẽ nhận được lời mời gọi bước vào cuộc sống mới mẻ, đầy thử thách và hiểm nguy. Lúc đầu, người anh hùng có thể từ chối, bởi chàng hồ nghi về chính khả năng của mình, và chàng cũng sợ hãi. Bởi nếu người anh hùng chấp nhận lời mời gọi này, thì chàng sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ rất gian nan, thử thách, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Nhưng rồi, lắng nghe tiếng gọi từ nội tâm sâu thẳm, chàng sẽ chấp nhận bước vào hành trình phiêu lưu mà định mệnh mang tới cho mình. Thường thì, người anh hùng sẽ có kỳ duyên được các cao nhân dạy dỗ. Khi khó khăn họa nạn, chàng được bạn bè giúp đỡ, hay được những may mắn của số phận. Sau vô vàn khó khăn vất vả, có những lúc chiến thắng, cũng như những lúc thất bại. Và nếu vượt qua tất cả, người anh hùng có thể nhận được phần thưởng là kho báu vật chất hoặc tinh thần (sự phát triển tâm linh). Sau đó, họ phải quyết định xem có quay trở về quê hương hay không. Thông thường, họ sẽ gặp những khó khăn thử thách trên hành trình này. Nếu họ trở về thành công, họ có thể sẽ sử dụng kho báu của mình sẽ cải tạo, giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Bốn cấp độ anh hùng

Ken Wilber, triết gia sáng lập học thuyết Dung Hợp (Integral Theory) cho rằng sự phát triển đạo đức của con người có thể chia làm bốn giai đoạn: vị ngã (egocentric), vị chủng (ethnocentric), vị thế giới (worldcentric) và vị pháp giới (kosmoscentric) (5). Bốn giai đoạn này phản ánh sự mở rộng của nhận thức và mối quan tâm của con người. Từ chỗ chỉ lo nghĩ tới bản thân (vị ngã), tới những người xung quanh cùng dòng giống với mình (vị chủng), tới xa hơn nữa là tất cả nhân loại (vị thế giới) và cực điểm, là tới toàn bộ chúng sinh muôn loài (vị pháp giới). (Theo Ken Wilber thì “kosmos” là thuật ngữ của Pythagore để chỉ toàn thể vũ trụ trong tất cả các chiều kích của nó như vật lý, cảm xúc, tinh thần và tâm linh. Như thế, khái niệm “kosmos” tương ứng với khái niệm “pháp giới” của Phật giáo.)



Theo Wilber thì đây là các giai đoạn tất yếu mà mỗi người sẽ phải trải qua, không có giai đoạn nào là xấu xa hay sai trái cả. Mỗi giai đoạn đều là một hệ quả tự nhiên và có quyền tồn tại. Mỗi giai đoạn đều đúng ở một mức độ nào đó, nhưng giai đoạn cao hơn thì độ đúng đắn sẽ nhiều hơn. Bao giờ giai đoạn sau cũng vừa siêu việt vừa bao hàm giai đoạn trước. Và vị pháp giới, giai đoạn thứ tư chưa phải là giai đoạn tối hậu, bởi có thể có những giai đoạn thậm chí cao hơn nhưng chưa xuất hiện.

Dưới góc nhìn của tôi, tương ứng với các cấp độ đạo đức trên là bốn cấp độ anh hùng từ thấp đến cao như sau: anh hùng việt ngã (vượt lên cái tôi), anh hùng dân/chủng tộc, anh hùng nhân loại và anh hùng pháp giới. Tiêu chí để phân cấp là mức độ vượt ra khỏi vòng cương tỏa của cái tôi. Mức độ mở rộng của “điều gì đó lớn lao” càng lớn, thì cấp bậc anh hùng càng cao. 

Anh hùng việt ngã là người đã vượt được lên cái tôi bé nhỏ của mình (vị ngã). Trước hết, đó là người mà bằng ý chí và nỗ lực phi thường đã vượt qua những thử thách, nghịch cảnh mà cuộc sống đem đến cho mình. Tự bản thân họ chính là người anh hùng trong câu chuyện về chính cuộc đời họ. Tuy nhiên, không phải chỉ có Lance Armstrong, mà bất cứ ai vượt qua được các rào cản tâm lý của mình để có thể tự tin hơn về bản thân và mạnh bạo hơn trước cuộc đời thì đều là có thể là anh hùng việt ngã cả. Chẳng hạn, một bé trai dám ở lại trong ngõ vắng để cảm nhận và vượt qua nỗi sợ bóng tối. Lòng can đảm thôi thúc đứa trẻ làm điều đó chính là biểu hiện của “dòng máu anh hùng” trong vô thức đứa trẻ. 

Ở giai đoạn phát triển cao hơn, anh hùng việt ngã là người đã bắt đầu biết cách hóa giải sự chi phối của cái tôi nhỏ bé để sống vì người khác xung quanh mình. Họ sẵn lòng làm những việc mà những người vị kỷ cho rằng “không phải phận sự của mình”. Dạng anh hùng này ta hay bắt gặp trong cuộc sống, chẳng hạn như thầy giáo Đỗ Việt Khoa một mình chống lại tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Hay đó có thể là các "hiệp sỹ đường phố" sẵn sàng liều mình bắt cướp cứu người, người ngụ cư trên sông chuyên vớt xác người chết đuối trôi sông, người lầm lũi đi nhặt đinh rải trên đường quốc lộ… Họ đều có cuộc đời bình dị như bao người khác, nhưng việc làm của những anh hùng thầm lặng này lại khiến ta phải kính cẩn cúi đầu tỏ lòng ngưỡng mộ. 

Anh hùng dân/chủng tộc thường là người có công kiệt xuất trong cuộc đấu tranh cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc (vị chủng), được nhân dân suy tôn và lịch sử dân tộc ghi nhận. Anh hùng dân/chủng tộc thường xuất hiện ở bước ngoặt lịch sử của dân tộc (thời đại), trở thành biểu tượng và niềm tự hào bất diệt của dân tộc. Tấm lòng của họ ôm lấy cả dân/chủng tộc. Như Nelson Mandela với người da đen là một ví dụ.

Anh hùng nhân loại thì mở rộng tấm lòng mình xa hơn khỏi giới hạn quốc gia hay dân/chủng tộc. Đó thường là người sống với những lý tưởng cao đẹp vì nhân loại nói chung như tự do, công bằng, dân chủ... Tâm hồn họ không còn bị rào cản của quốc gia, chủng tộc chi phối. Đối với họ chỉ có một gia đình duy nhất: toàn thể nhân loại. Đặc điểm nổi bật của những con người này là họ luôn là hiện thân cho những gì họ cổ suý. Thánh Gandhi, Martin Luther King và Che Guevara là ba ví dụ điển hình cho cấp bậc anh hùng này.

Anh hùng pháp giới là người đã đạt tới trạng thái vô ngã và có lòng đại bi. Người đó coi tất cả chúng sinh đều như một phần của con người mình, không có bất kỳ sự ngăn cách hay phân biệt nào. Vì vậy, mối quan tâm và hành động của người đó luôn hướng về lợi ích của muôn loài hữu tình, chứ không riêng gì loài người. Trong Phật giáo Đại thừa, những bậc như thế được gọi là Bồ-tát. Chẳng hạn như Bồ-tát Địa Tạng vời lời nguyện chừng nào còn chúng sinh trong địa ngục, chừng đó còn chưa thành Phật.

Anais Nin từng nói rằng: “Cuộc đời co hẹp hay mở rộng tương ứng với lòng dũng cảm của mỗi người.” (Life shrinks or expands in proportion to one’s courage.) Bốn cấp độ anh hùng kể trên là các giai đoạn đi từ cuộc đời nhỏ hẹp đến cuộc đời rộng mở, từ hữu hạn đến vô hạn. Đó là hành trình mà mỗi người đều phải trải qua để phát triển tâm thức của mình.


Nguyên mẫu anh hùng Thánh Gióng

Thánh Gióng là một nhân vật anh hùng tương đối điển hình trong kho tàng cổ tích Việt Nam. Nhân vật này phần nào phản ánh những đặc trưng của nguyên mẫu anh hùng trong vô thức tập thể của người Việt. Đầu tiên là hình ảnh “thằng bé lên ba tuổi rồi mà vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi biết lẫy, cũng không biết nói biết cười gì cả.” Gạt sang một bên bức màn huyền thoại, theo Trần Đại Sỹ thì thực ra, “Phù-đổng Thiên-vương là một võ sư đương thời. Ngài luyện võ, nên gần như không nói với ai, người đời đùa rằng ngài câm.” Trên phương diện tâm linh, HT Thích Trí Quảng cho rằng đây là hỉnh ảnh “tiêu biểu cho đời sống nội tâm, hay sức sống thiền định tiềm ẩn bên trong là sức mạnh tinh thần.” Trên phương diện phân tâm học, người viết cho rằng, “thằng bé lên ba tuổi” đó chính là biểu tượng cho nguồn năng lượng của nguyên mẫu anh hùng vốn luôn tàng ẩn trong tâm hồn của mỗi con dân đất Việt. Nó có vẻ thụ động thật đấy, im hơi lặng tiếng thật đấy nhưng đó là vì chưa đủ duyên, chưa gặp phải thời điểm thích hợp nên nó chưa thể hiện ra tiềm năng mạnh mẽ của mình. Cũng giống như người nông dân xưa, bình thường luôn hiền hậu, chất phác, sống vui vẻ mà an phận.

Theo Trần Đại Sỹ thì đến năm 24 tuổi, Phù-đổng Thiên-vương ứng lời gọi của vua đi đánh giặc Ân. Còn hình ảnh cậu bé Gióng ăn không biết no, lớn nhanh như thổi, vươn vai một cái, người bỗng cao to sừng sững, chân dài hơn trượng... trong truyện thì dưỡng như mang ý nghĩa khác. Nó biểu trưng cho sức mạnh nội lực một khi đã đủ duyên, được kích hoạt sẽ tạo nên sự biến đổi mang tính lột xác. Có lẽ chính nhờ nguồn năng lượng mạnh mẽ này của nguyên mẫu anh hùng mà nhân dân ta đã đánh bại được những kẻ thù hùng mạnh nhất trong các cuộc chiến tranh vệ quốc anh hùng.

Trần Đại Sỹ cho biết “khi hết giặc ngài lên núi Sài-sơn ẩn thân tiêu dao mây nước, tập võ” và trở thành sáng tổ của phái võ Sài-sơn. Như tâm thức tập thể của dân gian lại tạo ra một hình ảnh đẹp đẽ và huyền nhiệm hơn thế nhiều. “Sau khi đánh giặc xong, Thánh Gióng cởi giáp bỏ nón lại (trên đỉnh núi), rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời.” Nó thể hiện tinh thần vô vi của Lão tử, “làm mà không cậy công”, “xong việc rồi không ở lại". Đó đúng là tấm lòng vị tha vô ngã của vị anh hùng - bồ tát vậy. 

Sự biến thái của nguyên mẫu anh hùng

Ở các phần trên đây, chúng ta mới chỉ bàn về sự phát triển theo hướng tích cực của nguyên mẫu anh hùng. Nhưng nếu vì nhân duyên nào đó, gặp phải những điều kiện bất lợi từ chủ quan cũng như khách quan thì chúng sẽ phát triển một cách méo mó, tiêu cực. Jung cho rằng mỗi nguyên mẫu tích cực bao giờ cũng mặt trái tiêu cực, biểu hiện thành hai xu hướng: dương cương và âm nhu, được gọi là các hình thái bóng âm lưỡng cực (bipolar shadow forms). Theo Robert Moore và Douglas Gillette, hai nhà phân tích tâm lý theo trường phái Jung thì, trong trường hợp của nguyên mẫu anh hùng, hai hình thái tiêu cực là: người hung hăng và người hèn nhát. Bộ ba này được thể hiện theo dạng hình tam giác như minh họa sau đây (3).

Nguồn: Robert Moore, Douglas Gillette, King Warrior Magician Lover

Đầu tiên là dạng người hung hăng, luôn sẵn sàng làm những việc liều lĩnh để chứng tỏ bản thân mình. Họ luôn cảm thấy mình ở đẳng cấp cao hơn và có quyền lấn át những người khác. Họ thường tự huyễn hoặc về sự quan trọng và khả năng của mình, luôn nghĩ rằng những nhiệm vụ bất khả thi là để dành cho mình… Nếu có ai đó tỏ ra nghi ngờ sự ngông cuồng của họ, thì họ sẵn sàng gây hấn. Bởi sâu thẳm bên trong tâm hồn mình, dạng người này luôn cảm thấy bất an và lo sợ. Những người này thường thiếu tinh thần đồng đội. Họ sẵn sàng hy sinh lợi ích của đồng đội để đạt được những mục tiêu điên rồ của mình. Nếu họ không ý thức được vấn đề tâm lý của mình, thì họ có thể trở nên tiêu cực và nguy hiểm hơn nữa. Những kẻ bạo dâm, những tay giết người hàng loạt, những tên độc tài và chủ nghĩa phát xít trong lịch sử… đều có nguồn gốc từ sự biến thái tâm lý nói trên. Các nhà phân tâm học gọi họ là những kẻ hảo ác (sadist). Họ làm mọi việc tàn độc nhất với những người khác cũng chỉ là để chạy trốn sự hoảng loạn trong tâm hồn mình, hay đôi khi là để tìm kiếm một sự sung sướng bệnh hoạn. Vậy nên, ở một khía cạnh nào đó, dạng người mà cả xã hội ghê tởm và nguyền rủa này cũng rất đáng thương.

Ngược lại với dạng người hung hăng là dạng người hèn nhát. Đây là những kẻ không bao giờ dám khẳng khái đứng lên tranh đấu cho điều gì, thậm chí cho cả bản thân mình. Họ luôn tìm cách lảng tránh các cuộc tranh cãi, đụng độ. Thường là họ bị người khác lấn át, bắt nạt. Tuy nhiên, con giun xéo lắm cũng quằn, đến khi không chịu đựng được nữa, thì tay anh hùng bất mãn tiềm ẩn đằng sau người hèn nhát sẽ bất ngờ vùng dậy, có những lời nói và hành vi thô bạo với “kẻ thù” của mình. Mức độ biến thái cao hơn của dạng này là những người tự hành hạ bản thân mình để tìm kiếm cảm giác thoải mái hay giải tỏa, thuật ngữ chuyên môn gọi là những kẻ tự hành (masochist). Nghe thì có vẻ lạ nhưng thực ra chúng ta ra rất hay gặp dạng người này. Họ là những kẻ nghiện ngập. Đối tượng gây nghiện có thể rất đa dạng như thuốc lá, ma túy, tình dục, người yêu, công việc... Họ biết rằng những thứ đó có hại cho họ, nhưng họ vẫn không thể ngừng lại được. Và cái mặt trái của nguyên mẫu anh hùng này cứ dần đần hủy hoại cả sức khỏe lẫn tinh thần của họ. 

Nuôi dưỡng nguyên mẫu anh hùng 

Nhà tâm lý học phân tích James Hollis khuyên rằng: "Chúng ta có thể ngưỡng mộ những chiến công quả cảm, nhưng chúng ta đừng bao giờ tôn sùng các vị anh hùng. Tâm thức vẫn luôn mời gọi chúng ta tự tạo nên thành tựu của chính mình. Đây là nghĩa vụ anh hùng đang chờ đợi câu trả lời của chúng ta.” Nhưng câu trả lời ấy không thể nào tự nhiên mà đến, nếu chúng ta không biết cách nuôi dưỡng nguyên mẫu anh hùng vốn tiềm ẩn trong mình. 

Theo y khoa tâm thể phương Đông, trong con người có ba trung tâm năng lượng quan trọng là vùng đầu (hay bộ não), vùng ngực (hay trái tim) và vùng bụng dưới (hay đan điền). Tương ứng với ba trung tâm này là tiến trình ba giai đoạn tâm-sinh-vật lý chi phối mọi hoạt động của con người. Tiến trình này luôn bắt đầu từ suy tư và mường tượng, sau đó mới phát sinh cảm xúc, rồi cuối cùng sẽ biến thành hành động. Bộ ba này có mối liên kết với nhau rất chặt chẽ. Ở vùng đầu, nếu tập trung quá nhiều năng lượng sẽ thường phân tán, ảo tưởng, còn nếu quá ít năng lượng thì suy nghĩ ngây thơ, đơn giản. Ở vùng ngực, nếu thiếu hụt năng lượng thì sống hời hợt vô cảm, nếu quá nhiều năng lượng thì lại quá nhạy cảm, dễ mất kiểm soát. Ở vùng bụng dưới, nếu thiếu năng lượng thì ý chí không vững vàng, thiếu lòng dũng cảm, nếu tập trung quá nhiều năng lượng ở đây thì lại dễ rơi vào dạng hữu dũng vô mưu. Vì vậy, chỉ có sự cân bằng của ba trung tâm mới sẽ giúp cho nguyên mẫu anh hùng thăng hoa, phát triển tích cực, đúng đắn. 

- Ta hãy bắt đầu từ trí não với sức mạnh của mường tượng:

Zeno Franco và Philip Zimbardo khuyên chúng ta nên đặt ra các câu hỏi về trách nhiệm xã hội của bản thân trước các vấn đề mà mình đang phải đối diện cũng như những gì đang diễn ra xung quanh trong cuộc sống hằng ngày. Thường xuyên tự vấn lương tâm như vậy chính là cách để tưới tẩm cho những hạt giống của nguyên mẫu anh hùng trong tâm hồn bạn. Chúng sẽ kích thích trí tưởng tượng của bạn, giúp bạn mơ mộng về những điều bạn có thể làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Từ đó, bạn mới xây dựng được cho mình một tầm nhìn tích cực, một lý tưởng cao đẹp để không ngừng hướng tới. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển của hạt giống anh hùng trong tâm hồn. Trong những gian lao, thử thách, điều giúp người ta vượt lên được các giới hạn thể xác chính là những tầm nhìn, lý tưởng mà họ theo đuổi. Tấm gương những người tù cộng sản ở Côn Đảo là một minh chứng hùng hồn cho luận cứ này.

- Tiếp đến là trái tim với sức mạnh của cảm xúc:

Một bầu nhiệt huyết sôi sục là điều không thể thiếu trong trái tim của một người anh hùng. Tầm nhìn của một người càng rõ ràng, sinh động bao nhiêu thì cảm xúc của người đó sẽ càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Cảm xúc phát ra từ vùng tâm não có sức mạnh lớn lao hơn suy nghĩ thông thường rất nhiều lần. Theo nghiên cứu của viện HeartMath thì từ trường của vùng tim mạnh gấp 5000 lần so với từ trường của não bộ, còn điện trường mạnh gấp 100 lần so với điện trường của não bộ. Nếu như sức mạnh của mường tượng tạo nên một viễn cảnh để người anh hùng cố gắng vươn tới, thì sức mạnh của cảm xúc chính là động cơ thúc đẩy họ không lùi bước, kiên gan bền chí với lý tưởng của mình. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, ta thấy rằng có lẽ chính nhờ lòng yêu nước nồng nàn đã nuôi dưỡng ý chí phản Hán phục Việt qua gần 1000 năm Bắc thuộc, để cuối cùng vào năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán, giành lại chủ quyền dân tộc.

- Cuối cùng là đan điền với sức mạnh của nội lực:

Tâm lý và thể chất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn người hay suy nghĩ sẽ bị bệnh đau dạ dày. Ngược lại, người bị đau dạ dầy thường hay suy nghĩ lan man. Thế nên, một thân thể yếu đuối khó có thể là nơi cư ngụ của một tâm hồn cao cả. Dù có ý chí lớn lao đi nữa, nhưng nếu bạn không có sức khỏe thì cũng chỉ là một người lực bất tòng tâm mà thôi. Vậy nên, bạn cần cố gắng rèn luyện để có sức khỏe tốt. Lời khuyên của người viết là bạn nên theo đuổi một bộ môn võ thuật có sự rèn luyện tích lũy nội lực của phương Đông. Chảng hạn như Thiếu Lâm, Võ Đang, Thái Cực, Vịnh Xuân… Bởi không giống các môn thể thao phương Tây hầu như chỉ để rèn luyện cơ bắp, các môn võ trên còn rèn luyện cho người ta có được sự dẻo dai phi phường, ý chí kiên nhẫn và sự tập trung cao độ. Mà đây lại là ba yếu tố cực kỳ cần thiết đối với một người anh hùng. Tìm hiểu về cuộc đời của tổng thống Nga Putin, ta thấy ông đã có một nền tảng sức khỏe và tinh thần rất tốt nhờ nhiều năm luyện võ Judo.

Tạm kết

Ở phương Tây, khái niệm nguyên mẫu anh hùng đã trở nên tương đối phổ biến trong xã hội trong vài thập kỷ qua. Còn ở Việt Nam, còn quá ít người biết đến khái niệm này. Đó quả là một điều rất đang tiếc bởi đây là một nguồn năng lượng rất mạnh mẽ trong tâm hồn người Việt. Biểu hiện rõ nét nhất là trong văn hóa của chúng ta có truyền thống thờ anh hùng dân tộc. Đó chính là cách mà cha ông chúng ta nuôi dưỡng, thắp lửa cho nguyễn mẫu anh hùng trong tâm hồn các thế hệ con cháu. Tiếc rằng ngày nay, truyền thống này đa phần chỉ còn nặng về phần nghi lễ mà lại mất đi ý nghĩa giáo dục quý giá của nó. Chính sự thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của việc khơi dậy nguyên mẫu anh hùng trong giới trẻ đã dẫn đến nhiều vấn đề nhức nhối đang hằng ngày diễn ra. Chẳng hạn sự thờ ơ, lãng đạm trước cái xấu, cái ác của thế hệ trẻ - một thực trạng đáng báo động trong xã hội ta, là biểu hiện của sự thui chột của nguyên mẫu anh hùng trong tâm hồn con người. Hay việc mỗi đêm, hằng trăm thanh niên quay cuồng trong các sàn nhảy, phóng xe điên rồ trên đường phố là biểu hiện của hình thái tự hành, khi họ không biết cách đối diện và giải tỏa với những vấn đề trong cuộc sống của mình. Hay việc ngày càng có nhiều đối tượng vị thành niên hảo ác với những hành vi rất manh động, táo tợn. Đa số các em nhỏ này đều là những nạn nhân của bạo hành gia đình - điều kiện tất yếu tạo nên tính hung hăng của trẻ... Thiết nghĩ đã đến lúc cộng đồng nói chung, các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh nói riêng cần quan tâm nhiều hơn đến việc nuôi dưỡng nguồn năng lượng của nguyên mẫu anh hùng trong các thế hệ tương lai. Chúng ta phải làm sao để các bạn trẻ hiểu rằng bên trong con người họ có một vốn quý mà họ có thể khai thác để tạo nên những điều tốt đẹp, những thay đổi kỳ vĩ cho cho cuộc đời mình và mọi người xung quanh. Và thông qua hành trình đó, các bạn trẻ sẽ tìm được hạnh phúc và mãn nguyện.

Chú thích:

1. Candy Chang, Before I die

2. Zeno Franco, Philip Zimbardo, The Banality of Heroism

3. James Hollis, Under the Saturn's Shadow

4. Robert Moore, Douglas Gillette, King Warrior Magician Lover