Monday, April 21, 2014

Lảng tránh tổn thương tâm lý


Dù ý thức hay vô thức, các thiền giả phương Tây có thể dùng thiền tập để lảng tránh đối mặt với các thử thách trong quá trình trưởng thành cũng như những tổn thương tâm lý trong quá khứ. Thực ra, nên giải quyết các vấn đề này bằng tâm lý trị liệu thì tốt hơn. Một vài thiền sư rao giảng thông điệp rằng sự giác ngộ hay sự nhìn thấu cái tôi giả tạo, đi đến tận gốc rễ khổ đau của con người, và nhờ đó nhổ bật gốc rễ các vướng mắc trong cảm xúc cá nhân. Nhưng không may là, đây lại không phải là vấn đề. Giác ngộ là nhìn thấu ảo tưởng về cái tôi, nhưng chưa chắc đã là cách để chữa lành cho cái tôi bị thương tổn. Thực ra, các tổn thương vẫn có thể tiếp tục tồn tại, lẩn trốn khỏi bề mặt ý thức, và vẫn hoạt động phần nhiều y hệt như trước khi giác ngộ.

Các quan niệm sai lệch, đầy hấp dẫn về giác ngộ coi nó như là một sự kiện trừu tượng, bất biến, giúp người ta đổi đời, chỉ một lần giải quyết được tất cả mọi vấn đề, một thứ sẽ giúp người ta gột sạch tất cả mọi loại đau khổ và khiếm khuyết của con người. Trải nghiệm giác ngộ có thể nông hay sâu, tổn tại trong thời gian ngắn hay dài, nhưng dù thế nào, chúng vẫn có khả năng là một sự phát triển bất tận và là một phần của một chuỗi tiệm tiến. Trải nghiệm giác ngộ có thể tạm thời giúp xoa dịu những tổn thương nhưng nếu chúng vẫn hoạt động, hành giả sẽ không thể nào đưa được những kinh nghiệm giác ngộ vào đời sống hàng ngày và có thể dùng tâm linh để trốn tránh đương đầu với chính những vết thương này. Engler đã nói một câu nổi tiếng rằng, bạn cần phải là ai đó trước khi bạn có thể là không ai cả. Nhiều thiền sinh bị say mê hành thiền rất có thể mắc phải sai lầm khi cố gắng né tránh hay vượt lên các thử thách quan trọng trong quá trỉnh trưởng thành tâm lý bằng cách tiêu diệt cái tôi bằng bất cứ giá nào. Từ quan điểm tâm lý học phát triển, hợp thành một cấu trúc cái tôi cố kết, tách biệt là điều cần thiết trước khi cam kết hành thiền quyết liệt để nhìn thấu bản chất cái tôi. Mức cố kết tối thiểu này đã được coi như mặc định trong tư tưởng Phật giáo: dù Thiền tông nhấn mạnh vào việc nhìn thấy bản chất cái tôi, thì chính là bởi vì truyền thống này đã mặc nhiên thừa nhận tính trọng yếu của nó trong sự trưởng thành tâm lý. Ban đầu, Engler cho rằng cấu trúc cái tôi vững chắc, căn bản này phải có trước sự nhìn thấu ảo tưởng tối hậu về cái tôi. Nhưng gần đây, Engler đã bổ khuyết cho quan điểm của mình và ông nói rằng tiến trình này không nhất thiết phải là tuyến tính (tức là theo trình tự trước sau cố định), bởi đời sống tâm linh và tâm lý đan xen lẫn nhau, nên việc ta làm trong cả hai cảnh giới có thể tiến triển đồng thời. 

Katherine V.Masís, American Zen and psychotherapy: an ongoing dialogue, Awakening and Insight: Zen Buddhism and Psychotherapy

Đỗ Hoàng Tùng trích dịch

No comments:

Post a Comment