Wednesday, April 23, 2014

Bóng âm và chuyển hóa*


Thuật ngữ “bóng âm” (shadow) là để chỉ “mặt tối” (dark side) của tâm thức – các phương diện trong chính bản thân đã bị chúng ta ngăn tách, chối bỏ, phủ nhận, lảng tránh, phóng chiếu chúng lên những người khác cũng như không công nhận chúng. Trong ngôn ngữ của ngành tâm lý trị liệu, bóng âm là để biểu thị “phần vô thức bị đè nén” (repressed unconscious) – bị đè nén bởi vì chúng ta đã “đẩy” (push) hay “ép” (press) nó ra khỏi hữu thức của mình, và vô thức bởi vì chúng ta không nhận thức được nó!


Nhưng có một sự thực là [dù] chúng ta không ý thức hay nhận thức được bóng âm [thì] không có nghĩa là nó không có ảnh hưởng nào hết: nó chỉ biểu lộ mình qua những phương tiện méo mó và không lành mạnh – hay những gì thường được gọi là chứng nhiễu tâm (neuroses) (1).


Một trong những lợi ích lớn lao nhất của việc chuyển hóa bóng âm là nó giải phóng nguồn năng lượng đáng ra sẽ bị tiêu tốn cho việc vật lộn, chiến đấu với bóng âm trong nội tâm mình. Duy trì bóng âm là một công việc vất vả! Nó tiêu tốn rất nhiều năng lượng để luôn ngụy trang cho những khía cạnh mà bản thân ta không thích trong mình. Chuyển hóa bóng âm giải phóng nguồn năng lượng đó, thứ mà chúng ta có thể sử dụng cho sự trưởng thành và chuyển hóa.


Hãy tưởng tượng rằng năng lượng bạn sẵn có cho sự chuyển hóa được tượng trưng bằng một tài khoản ngân hàng với 600$ trong đó, và bạn cần tới 800$ để đạt tới giai đoạn tiếp theo của sự phát triển [bản thân]. Nhưng nếu bạn có một khoản tiền 400$ bị mắc kẹt trong vô thức bị đè nén của mình thì sao? Nếu bạn có thể lấy ra được 200$ từ “khoản tiền-năng lượng” đó, nó sẽ đủ để đưa bạn tới giai đoạn tiếp theo. Chuyển hóa bóng âm không chỉ xoa dịu những đau đớn và khổ sở luôn có khi phải “chiến đấu” với những rắc rối do xung đột trong hệ tâm lý gây ra (psychodynamic issues) (2) – nó còn có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự trưởng thành và trì trệ.

Tâm lý trị liệu và chuyển hóa bóng âm là một trong những đóng góp quan trọng nhất của phương Tây hiện đại với nỗ lực thực hành chuyển hóa bản thân. Những truyền thống tâm linh cổ xưa có thể có sự hiểu biết rất sâu sắc về sự phát triển tâm linh, nhưng họ không đề cập một cách thỏa đáng về bóng âm. Thực tế, một trong những sai lầm lớn của các truyền thống tâm linh là cho rằng những sự thực tập chẳng hạn như thiền có thể chuyển hoàn toàn bộ cá nhân, trong khi nói chung họ bỏ rơi một số khía cạnh rất quan trọng của cái tôi, trong đó đặc biệt là bóng âm. Kết quả là, quá thường xuyên, sự thực chứng của các trạng thái ý thức cao hơn lại không có sự hợp nhất một cách ý thức và chặt chẽ tương ứng với mặt tối của hành giả.


Freud đã mắc phải nhiều sai lầm nghiêm trọng, và hạ bệ ông đang trở thành một trào lưu, nhưng cái nhìn sâu sắc của ông về bản chất của bóng âm vẫn còn nguyên giá trị: các cảm xúc và xung lực không được chấp nhận bị đè nén khỏi nhận thức ý thức của chúng ta, nơi chúng sẽ lén lút định hình cuộc đời ta.


Hằng thập kỷ qua, các công trình nghiên cứu về bóng âm của các nhà nghiên cứu và chuyên gia tâm lý trị liệu khắp thế giới đã chứng minh hết lần này đến này khác cái nhìn sâu sắc căn bản này về bản chất của bóng âm.



Vấn đề phức tạp ở chỗ, chính bản chất của bóng âm là duy trì sự che giấu khỏi nhận thức. Ít nhất thì phần nào đó, bạn không muốn nhìn thấy bóng âm của mình. Đó là lý do vì sao cần phải có một cách đặc biệt để đưa nó ra [ánh sáng]. Nhưng cho đến khi nó bị lộ diện, nó sẽ có xu hướng một cách tinh tế áp đặt bản tính u tối của nó lên các hành vi và lựa chọn của bạn, đôi khi còn làm hỏng toàn bộ cuộc đời bạn.


Dù bạn có thích nó hay không, đây là sự lựa chọn của bạn:
  • Làm chủ bóng âm của bạn. Đó là, dụng công để ý thức được các khát khao, cảm xúc, nhu cầu và tiềm năng bị đè nén trong vô thức, để có thể đưa ra những lựa chọn tự do hơn trong cuộc đời… 
  • Hay là bị nó làm chủ. Đó là, để cho những khát khao và cảm xúc không được công nhận của bạn định hình lên kết quả cuộc đời bạn, hoàn toàn tách biệt với các lựa chọn ý thức của bạn. 
Ken Wilber et al, Integral Life Practice: A 21st-Century Blueprint for Physical Health, Emotional Balance, Mental Clarity, and Spiritual Awakening
Đỗ Hoàng Tùng trích dịch

Chú thích:

(*) Tiểu tựa này do người dịch (ND) tạm đặt.

1. Nhiễm tâm: Rối loạn tâm lý không dẫn đến tan rã nhân cách, nhưng gây khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, do những triệu chứng mà người ta thường hay gọi là "dở hơi" (như) lo hãi vô cớ, ám sợ, ám ảnh, lên cơn hystêxi (x. các từ này), bệnh chứng ở bộ phận này hay bộ phận khác nhưng không có gì rõ ràng.

Tâm lý học ngày nay xem đây là biểu hiện của những mối xung đột vô thức, liên quan chủ yếu đến mặc cảm Ởđip: lo hãi nhằm ngăn cản bộc lộ ham muốn dục vọng, và thất bại trong sự chống đỡ với những xung lực bản năng làm cho những biểu hiện vô thức chiếm lấy một phần của hoạt động tâm lý ý thức...

Nguồn: Từ điểm Tâm lý - Nguyễn Khắc Viện chủ biên

2. Theo phân tâm học, xung đột ở đây là giữa động cơ ý thức và động cơ vô thức. (ND)

No comments:

Post a Comment