Friday, August 22, 2014

Vòng xoáy luân hồi

Khi tổn thương thời thơ ấu "tái phát" trong mối quan hệ với người khác


Để hiểu được đứa trẻ trong ta (inner child) đã biểu lộ ra những khát khao thời thơ ấu chưa được đáp ứng như thế nào, chúng ta cần phải biết rằng động lực căn bản trong đời sống của con người là cảm xúc. Cảm xúc chính là nguồn nhiên liệu giúp ta phòng vệ và đáp ứng những nhu cầu căn bản. (Tôi thích viết chữ emotion - cảm xúc thành e-motion, tức là viết tắt của energy - năng lượng, và in motion - đang chuyển động.) Nguồn năng lượng này là nền tảng, gốc rễ. Giận dữ thúc đẩy ta bảo vệ bản thân. Khi giận dữ, ta đứng phắt dậy, nổi cơn tam bành. Với sự giận dữ, ta bảo vệ và tranh đấu cho quyền lợi của mình. 



Sợ hãi khiến ta “biến” đi chỗ khác, để khỏi phải đương đầu với hiểm nguy. Sợ hãi giúp ta nhận biết, phân biệt. Nó bảo vệ ta bằng cách cho ta biết hiểm nguy đang rình rập và quá sức mình nên không thể “chiến”. Nó hối thúc ta "chuồn lẹ" và tìm nơi ẩn nấp.


Đau khổ khiến ta rơi nước mắt. Nước mắt giúp ta gột sạch những nỗi lòng u uẩn, trầm uất. Với buồn đau, chúng ta giải tỏa những nỗi mất mát và giải phóng hết năng lượng hiện thời. Nếu ta không thể bộc lộ ra nỗi đau khổ của mình, thì ta sẽ không thể nào đoạn tuyệt được với quá khứ. Tất cả năng lượng cảm xúc liên quan tới nỗi trầm cảm hay tổn thương của ta sẽ trở thành bằng giá. Không được bộc lộ và giải tỏa, khối năng lượng này vẫn tiếp tục cố gắng chuyển hóa. Bởi nó không thể được bộc lộ ra trong những cơn đau khổ như thông thường, nên nó đành bộc lộ ra qua những hành vi bất thường. Điều này được gọi là “tái phát" (act out). Câu chuyện của Maggie (vốn là thân chủ của tôi) là một ví dụ minh họa tuyệt vời để bạn hiểu khái niệm này.


Maggie đã chứng kiến cha mình, một kẻ hung hãn và nát rượu, bạo hành mẹ mình. Cảnh tượng này lặp đi lặp lại trong suốt tuổi thơ của cô. Từ năm 14 tuổi trở đi, Maggie đã trở thành người xoa dịu nỗi đau cho mẹ. Sau khi bị chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay, bà mẹ liền lên giường nằm với Maggie. Bà mẹ run rẩy khóc lóc, bấu víu lấy cô con gái. Đôi khi người cha còn đánh đuổi theo và gào thét vào người vợ. Điều này khiến Maggie sợ hãi, run rẩy. Bất cứ hành vi bạo lực nào với một người trong gia đình cũng gây kinh hãi cho những người khác. Người chứng kiến bạo lực cũng chính là nạn nhân của bạo lực. Đáng ra Maggie cần được bộc lộ ra nỗi sợ và giải tỏa nỗi buồn trong lòng. Nhưng chẳng có một ai để cô bé chẳng thể tìm tới, để được ôm ấp vỗ về, xua tan đi nỗi đau không thể diễn tả thành lời của mình. Đến khi trưởng thành, cô không ngừng cố gắng tìm tới những người có thể đóng vai ông bố bà mẹ ôm ấp vỗ về cho cô. Khi Maggie tìm đến tôi, cô đã trải qua hai cuộc hôn nhân [đau khổ vì] bạo hành và nhiều mối quan hệ có yếu tố bạo hành khác. Và cô ý làm nghề gì bạn biết không? Maggie là nhà tham vấn chuyên về phụ nữ bị bạo hành và lạm dụng!

Những tổn thương trong thời thơ ấu của Maggie đã "tái phát". Cô chăm sóc những phụ nữ bị bạo hành và bước vào mối quan hệ tình cảm với những người đàn ông vũ phu. Cô chăm sóc họ, nhưng không ai chăm sóc cô. Năng lượng cảm xúc được bộc lộ ra theo cách duy nhất mà nó có thể - bằng cách "tái phát."

“Tái phát”, hay tái lặp lại (reenact), là một trong những cách tai hại nhất mà qua đó “đứa trẻ trong ta” hủy hoại cuộc đời ta. Câu chuyện của Maggie là một minh họa điển hình của sự thôi thúc không ngừng lặp lại quá khứ. “Biết đâu lần này mình có thể làm cho mọi thứ ổn thỏa.” đứa trẻ tổn thương trong lòng nàng nói. “Có lẽ nếu mình hoàn hảo và làm vui lòng cha, thì cha sẽ trân trọng, yêu thương mình.” Đây chính là lối tư duy ngây thơ, luôn tin tưởng vào phép màu của trẻ con, không phải lối tư duy lý tính của người lớn. Một khi ta đã hiểu điều này, ta mới thấy nó hợp lý. Một vài ví dụ khác của lối hành xử “tái  là:
  • Lặp lại hành vi bạo lực với người khác
  • Làm những việc mà vốn đã tự dặn với lòng mình là sẽ không bao giờ làm như thế với con cái 
  • Đột nhiên giận dữ, hờn dỗi trước những tình huống gợi lại tổn thương trong quá khứ
  • Cố chấp với những nguyên tắc lý tưởng của cha mẹ mình. 


Khi tổn thương thời thơ ấu "tái phát" trong chính mình

"Tái phát" trong chính mình (act in) có nghĩa là tái lặp lại những tổn thương trong quá khứ với chính mình. Chúng ta tự trừng phạt bản thân đúng theo cách đã bị trừng phạt thời thơ ấu. Tôi quen một người tự hành hạ mình mỗi khi anh ta mắc sai lầm. Anh ta tự dằn vặt mình bằng những lời chỉ trích, chẳng hạn như: “Mày dốt lắm! Sao mày có thể ngu như thế chứ?” Có đôi lần tôi thấy anh ta tự đánh vào mặt mình (khi còn nhỏ, anh ta thường bị mẹ tát vào mặt). Những cảm xúc trong quá khứ chưa được giải tỏa thường quay trở lại với chính người bị hại. Chẳng hạn trường hợp của Joe, khi còn nhỏ, anh ta chưa bao giờ được phép bộc lộ sự tức giận. Anh ta cực kỳ oán hận mẹ mình bởi bà ta chưa bao giờ để cho anh ta tự mình làm việc gì cả, Ngay khi anh ta bắt đầu một việc, bà ta sẽ nhảy xổ vào và nói những câu đại loại như “Mẹ cần phải giúp cậu con trai bé bỏng của mẹ.” hay “Con làm được đấy, nhưng để mẹ giúp con một tay nhé!” Ngay cả đến bây giờ, khi đã trưởng thành, Joe vẫn để cho mẹ làm mọi việc mà anh ta có thể tự làm. Joe được bà mẹ dạy phải nhất mực nghe lời và sự giận dữ ra mặt là một tội lỗi. Kết quả là, anh ta cảm thấy chán chường, lãnh cảm, mặc cảm, và không thể đạt được những điều mình muốn theo đuổi trong đời. Khối năng lượng cảm xúc “tái phát” trong chính mình có thể gây ra những rắc rối nghiêm trọng về thể chất như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đau lưng, đau cổ, đau nhức cứng cơ, viêm khớp, hen suyễn, trụy tim và ung thư. Dễ bị vấp ngã, chấn thương cũng là một dạng “tự tái diễn”. Người ta tự trừng phạt mình bằng những vụ tai nạn.

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

No comments:

Post a Comment