Monday, August 4, 2014

Khái niệm "Tự ngã" của Jung




Tự ngã (Self). Nguyên mẫu của sự toàn vẹn, hòa hợp (wholeness) và trung tâm vận hành của tâm thức; một thế lực siêu việt cá nhân vượt lên trên cái tôi (ego). 

Với tư cách là một khái niệm thực nghiệm, tự ngã biểu thị toàn thể phạm trù các hiện tượng tâm lý nơi con người. Nó thể hiện sự thống nhất của nhân cách như là một toàn thể. Nhưng khi xét đến nhân cách toàn thể, bởi thành phần vô thức của tự ngã chỉ có thể được ý thức phần nào, nên khái niệm này chỉ tiềm năng thực nghiệm phần nào đó và phần nào đó, làm một giả thuyết. Nói cách khác, nó bao hàm cả cái khả tri lẫn cái bất khả tri (hay cái vị khả tri: cái còn chưa được kinh nghiệm)... Nó là một khái niệm siêu nghiệm bởi nó ước đoán sự tồn tại của những yếu tố vô thức dựa trên những nền tảng thực nghiệm và từ đó nêu lên đặc trưng của một thực thể mà chỉ có thể miêu tả phần nào. ["Definitions," CW 6, par. 789.] 

Tự ngã không chỉ là trung tâm, mà còn là toàn bộ ngoại vi, tức bao hàm cả ý thức lẫn vô thức, nó là trung tâm của tổng thể này, cũng giống như cái tôi là trung tâm của ý thức. ["Introduction," CW 12, par. 44.] 


Giống như bất cứ nguyên mẫu nào khác, yếu tính của tự ngã là bất khả tri, nhưng những biểu hiện của nó lại chính là nội dung của thần thoại và huyền thoại. Tự ngã xuất hiện trong những giấc mơ, thần thoại và trong chuyện cổ tích, nó thủ vai những nhân cách phi thường, như đấng quân vương, người anh hùng, nhà tiên tri, đấng cứu thế… hay trong dạng biểu tượng tổng thể, như hình tròn, hình vuông, hình tròn chia thành bốn phần (quadratura circuli - như hình minh họa trên đây), chữ thập… Khi biểu tượng cho sự hợp nhất của các mặt đối lập (complexio oppositorum), tự ngã có thể xuất hiện như một lưõng cực hợp nhất, chẳng hạn như Đạo, trong sự tương tác giữa dương và âm, hay những người anh em thù địch hay người anh hùng và nghịch cảnh (kẻ thù không đội trời chung, rồng), Faust và Mephistopheles… Do đó, dựa trên kinh nghiệm ta thấy tự ngã xuất hiện như một vở kịch của ánh sáng và bóng tối, dù được thể hiện như một tổng thể và hợp nhất trong đó những mặt đối lập hòa hợp.

Sự nhận thức tự ngã là một yếu tổ tâm lý độc lập thường được củng cố bởi sự trỗi dậy bùng phát của những nội dung vô thức mà cái tôi không thể nào kiểm soát. Điều này có thể dẫn tới chứng nhiễu tâm và sự đổi mới trong nhân cách sau đó, hoặc dẫn tới sự đồng hóa mang tính thổng phồng với thế lực lớn hơn.

Cái tôi không thể nào không nhận ra sự hợp lưu của những nội dung vô thức đã đem đến sức sống, bồi đắp cho nhân cách, và tạo nên nét cá tinh mà bằng cách nào đó, khiến cho cái tôi trở nên bé nhỏ cả về tầm ảnh hưởng lẫn sức mạnh… Theo lẽ tự nhiên, ở những tình huống như thế này, [trong tâm hồn người ta] sẽ xuất hiện cám dỗ cực lớn nhằm theo đuổi tham vọng quyền lực và đồng hóa toàn bộ cái tôi với tự ngã, để duy trì ảo tưởng về sự kiểm soát của cái tôi… [Nhưng] tự ngã chỉ có ý nghĩa chức năng khí nó có thể tiến hành bù đắp cho vùng ý thức của cái tôi (ego-consciousness). Nếu cái tôi tan biến trong sự đồng hóa với tự ngã, nó sẽ tạo ra một tên siêu nhân mông muội có cái tôi kiêu căng tự mãn. [On the Nature of the Psyche," CW 8, par. 430.]


Những kinh nghiệm về tự ngã có đặc tính huyền dụ (numinosity) (1) của khải thị tôn giáo. Do đó Jung tin rằng không có sự khác biệt về bản chất giữa cái tôi như là một sự thực về mặt tâm lý, thực nghiệm và khái niệm truyền thống về một đấng tối cao. 



Có lẽ cũng có thể nó là “Thượng đế ngự bên trong chúng ta.” [The Mana-Personality," CW 7, par. 399.] 

Daryl Sharp, Jung Lexicon, Self 
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Chú thích:

1. Huyền dụ (numinosity): Cảm xúc vừa kinh hoàng vừa say sưa kỳ diệu trước những thực tại cao cả, lớn lao, hoàn toàn xa lạ và khác biệt, nhưng cũng lại thân gần và đẹm lại ý nghĩa thâm sâu cho đời sống... (Theo Lưu Hồng Khanh, Tâm lý học chuyên sâu)

No comments:

Post a Comment