Tuesday, August 5, 2014

Niềm tin vào phép màu



Trẻ con thường tin vào những phép màu. Đó là niềm tin rằng một lời nói, cử chỉ hay hành động nào đó có thể thay đổi được thực tại. Những ông bố bà mẹ tâm lý bất ổn thường thúc đẩy lối suy nghĩ này ở con cái họ. Chẳng hạn, nếu bạn nói với trẻ rằng hành vi của chúng trực tiếp chịu trách nhiệm cho cảm xúc của ai đó, bạn đang dạy trẻ tin tưởng vào phép màu. Một số cách nói kiểu như: “Mày đang giết mẹ mày đấy!”, “Hãy xem mày đã làm gì - mẹ mày đang rất bực mình đấy!”. “Mày đã thấy sung sướng chưa - mày làm cho bố mày nổi giận rồi đấy!” Hay cách nói “Tao biết mày đang nghĩ gì.” cũng củng cố niềm tin vào phép màu. Tôi nhớ có một nữ thân chủ đến tuổi 32 đã kết hôn tới năm lần. Cô ý nghĩ rằng hôn nhân sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề. Nếu cô ý có thể tìm được người đàn ông của cuộc đời mình, mọi thứ sẽ ổn thỏa. Niềm tin kiểu như thế là niềm tin vào phép màu. Nó ngụ ý rằng một vài sự kiện hay con người nào đó có thể thay đổi toàn bộ đời sống mà cô ý không hề phải bỏ chút công sức nào để thay đổi bản thân.

Trẻ con tin tưởng vào phép màu là điều rất tự nhiên. Nhưng nếu đứa trẻ bị tổn thương do không được đáp ứng những nhu cầu tâm lý tình cảm, nó sẽ không thực sự trưởng thành. Con người trưởng thành của nó sau này vẫn còn ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ tin tưởng phép màu của trẻ con. 

Một số những niềm tin vào phép màu khác là:

  • Nếu tôi có tiền, tôi sẽ ổn thôi. 
  • Nếu người yêu/vợ/chồng bỏ tôi đi, tôi sẽ chết mất hay tôi sẽ không thể chịu đựng nổi. 
  • Kiếm được mảnh bằng cấp sẽ khiến tôi thông minh hơn. 
  • Nếu tôi chăm chỉ làm lụng, cuộc sống sẽ tưởng thưởng cho tôi. 
  • Chờ đợi sẽ đem đến kết quả tuyệt vời. 
Người ta dạy các cô bé những câu chuyện cổ tích đầy rẫy những phép màu. Cô bé lọ lem được dạy rằng phải chờ ở trong bếp chàng trai mang đúng chiếc giầy! Bạch Tuyết nhận được thông điệp rằng nếu nàng chờ đủ lâu, hoàng tử sẽ đến. Theo nghĩa đen, câu chuyện đó bảo với phụ nữ rằng định mệnh của họ phụ thuộc vào việc chờ đợi một kẻ ái thây (necrophile: kẻ thích hôn người chết) tình cờ đi qua khu rừng vào đúng thời điểm. Quả không phải là một viễn cảnh hay ho cho lắm! 


Qua những câu chuyện cổ tích, người ta dạy các cậu bé mong đợi vào phép màu. Nhiều câu chuyện chuyên chở thông điệp rằng có một người phụ nữ dành riêng cho họ, người mà họ phải tìm kiếm và sẽ thấy. Trong hành trình tìm kiếm, anh ta sẽ phải lưu lạc phương xa, băng qua rừng tối, chiến thắng những con rồng đáng sợ và nguy hiểm. Cuối cùng anh ta sẽ nhận ra, mà không chút hồ nghi, khi anh ta tìm thấy người con gái của cuộc đời mình. (Đó là lý do vì sao rất nhiều người đàn ông quá đỗi hồi hộp khi đứng trong thánh đường nhà thờ.) Thường thì định mệnh của đàn ông sẽ bị quyết định bởi những yếu tố bí ẩn như hạt đậu thần kỳ hay thanh gươm huyền diệu. Thậm chí anh ta có thể hẹn hò với một con ếch. Nếu anh ta có đủ dũng cảm để hôn nó, thì nó sẽ biến thành một nàng công chúa. (Phụ nữ cũng có phiên bản câu chuyện con ếch của riêng họ.) 

Đối với phụ nữ, phép màu có nghĩa là chờ đợi người đàn ông của cuộc đời mình, đối với đàn ông, thì đó là cuộc hành trình bất tận để đi tìm người phụ nử của cuộc đời mình. Tôi hiểu chuyện cổ tích có ý nghĩa trên bình diện huyền thoại và biểu tượng. Chúng không hợp lý, và, giống như các giấc mơ, chúng bộc lộ qua những hình ảnh. Rất nhiều chuyện cổ tích là những lời bày tỏ thông qua biểu tượng cho sự nhận ra bản chất giới tính. Khi quá trình trưởng thành diễn ra êm đẹp, rút cục người ta sẽ bỏ qua cách hiểu nghĩa đen của trẻ con để nhận ra ý nghĩa tượng trưng của chúng. Nhưng khi tâm hồn trẻ thơ trong con người ta bị tổn thương, nó sẽ tiếp tục coi những câu chuyện này là thực. Là người trưởng thành có tuổi thơ bị tổn thương, với niềm tin vào phép màu, người ta thường chờ đợi và/hoặc tìm kiếm một kết cục hoàn mỹ, nơi họ sẽ sống trong hạnh phúc mãi mãi.

John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

No comments:

Post a Comment