Tuesday, July 8, 2014

Chứng lụy thuộc


Tôi định nghĩa lụy thuộc (co-dependence) (1) là một nỗi bất an (dis-ease) (2) khi người ta đánh mất đi chính mình, hay ý thức về tính cá nhân của mình. Ở trong tình trạng lụy thuộc có nghĩa là người ta không còn biết cảm xúc của mình ra sao, thực sự mình mong muốn và khát khao cái gì. Ta hãy thử xem xét một số ví dụ sau đây: Pervilia nghe bạn trai cô kể về những căng thẳng trong công việc của anh. Đêm đó về nhà, cô không thể ngủ được bởi nỗi bồn chồn, bứt rứt về rắc rối của bạn trai. Cô cảm nhận được cảm xúc của anh ấy còn rõ hơn cảm xúc của chính cô. 

Khi Maxmillian kết thúc mối tình sáu tháng với cô bạn gái, anh ta như muốn tự tử. Anh ta tin rằng giá trị con người mình hoàn toàn phụ thuộc vào tình yêu của cô bạn gái dành cho mình. Sâu thẳm trong tâm hồn, thật ra Maximillian chẳng hề coi bản thân mình ra gì. Giá trị con người anh ta đến từ người khác, phụ thuộc vào người khác mà có.

Khi chồng Jolisha hỏi xem liệu cô có thích đi chơi vào buổi tối hôm đó không, cô không đưa ra câu trả lời rõ ràng rồi cuối cùng cũng đồng ý, Anh ta hỏi xem cô muốn đi đâu, cô nói việc đó không quan trọng. Anh đưa cô tới ăn ở Viking Barbecue Stand và sau đó đi xem phim The Return of the Ax Murderer. Cô ý không thích toàn bộ buổi tối hôm đó. Cô tỏ ra gắt gỏng và xa lánh anh trong suốt một tuần. Khi chồng hỏi, “Có chuyện gì thế em?” thì cô lại trả lời: “Không, chẳng có chuyện gì cả!” 

Jolisha là một người rất dễ thương. Khi được hỏi, mọi người đều nói tốt về cô. Thực ra, cô chỉ đang giả vờ là người dễ thương. Cô liên tục “diễn” trong cuộc sống của mình. Đối với Jolisha, tỏ ra dễ thương là một cái tôi giả tạo (a false self). Cô khộng biết mình thực sự mong muốn hay khát khao điều gì. Cô không nhận thức được đâu là con người thực của mình.

Jacobi năm nay 52 tuổi. Ông tìm đến tham vấn bởi vì ông đã ngoại tình với cô thư ký riêng, năm nay 26 tuổi trong hai tháng qua. Jacobi nói với tôi rằng ông không hiểu tại sao điều này lại xảy ra! Ông là người địa vị trong nhà thờ và là một thành viên của Ủy ban giữ gìn đạo đức. Ông dẫn đầu cuộc chiến xóa bỏ sách báo khiêu dâm ở thành phố mình. Thực ra, Jacobi đang đeo mặt nạ đạo đức giả. Ông hoàn toàn không nhận diện được ham muốn tình dục của mình. Sau nhiều năm bị ông chủ động ức chế, ham muốn tình dục đã nổi dậy kiểm soát lại ông.

Biscayne luôn cảm thấy có vấn đề với cân nặng của bà vợ. Ông hạn chế hầu hết các mối giao lưu xã hội bởi vì ông cảm thấy rất xấu hổ khi bạn bè nhìn thấy vợ ông. Biscayne không biết đâu là ranh giới tâm lý để phân biệt được đâu là con người mình, đầu là bà vợ. Ông tin rằng danh dự của ông sẽ bị người khác đánh giá thông qua vẻ bề ngoài của bà vợ. Bigello, một người đồng nghiệp của ông, có một cô tình nhân. Theo định kỳ ông này đưa bạn gái lên bàn cân để chắc rằng cân nặng cô ta không thay đổi. Bigello là một ví dụ khác về một người không có ý thức về một cái tôi cá nhân độc lập. Ông tin rằng danh dự của mình phụ thuộc vào cân nặng của tình nhân. 

Ophelia Oliphant yêu cầu chồng cô mua một chiếc ô-tô Mercedes. Cô cũng kiên quyết tiếp tục làm thành viên của câu lạc bộ River Valley Country. Gia đình là Oliphants đang ngập chìm trong nợ nần. Họ sống hết sức tằn tiện, dè xẻn từng ngày. Họ bỏ ra rất nhiều công sức để khất lần với các chủ nợ, để bắt chước theo hình ảnh giai cấp thượng lưu giàu có. Ophelia tin rằng sự tự tin, giá trị của con người cô phụ thuộc vào việc duy trì một hình ảnh thích hợp. Cô không có ý thức về một cái tôi độc lập.

Trong tất cả những câu chuyện kể trên chúng đều thấy rằng những người lụy thuộc vào một cái gì đó bên ngoài bản thân họ để được là chính mình, để có một bản sắc, căn tính riêng. Đây là những ví dụ điển hình về sự bất an của chứng lụy thuộc.

Chứng lụy thuộc được dung dưỡng trong những gia đình không có đời sống tinh thần êm ấm, lành mạnh. Chẳng hạn, mọi thành viên trong gia đình có người nghiện rượu cũng sẽ bị lụy thuộc vào thói uống rượu của người này. Bởi chứng nghiện rượu quá đe dọa tới đời sống của mỗi thành viên trong gia đình, họ thích ứng [với hoàn cảnh này] bằng một lối sống thận trọng, đề cao cảnh giác trong một khoảng thời gian dài. Trong bản tính tự nhiên của con người, thích ứng với căng thẳng được dự kiến là một trạng thái nhất thời, nó chưa bao giờ được dự kiến là sẽ tiếp diễn lâu dài cả. Qua thời gian, một người sống với sự căng thẳng lâu dài thói nghiện rượu không còn khả năng nhận biết được nội tâm của chính mình, anh ta không còn biết rõ các cảm giác, mong muốn và khát khao của mình nữa.

Trẻ em cần có những mẫu hình cảm xúc an toàn và lành mạnh để hiểu được những dấu hiệu từ nội tâm mình. Chúng cũng cần được giúp đỡ để có thể tách biệt được đâu là suy nghĩ và đâu là cảm xúc. Khi môi trường gia đình tràn ngập bạo lực (do chất kích thích, về mặt cảm xúc, thân thể hay tình dục), đứa trẻ phải đưa toàn bộ sự chú ý hướng ra bên ngoài. Qua thời gian, nó mất đi khả năng tạo dựng sự tự tin từ bên trong mình. Không có một đời sống nội tâm lành mạnh, người ta sẽ bị đầy ải trong lối sống cố gắng tìm kiếm thỏa mãn, khoái lạc từ bên ngoài. Đấy là sự lụy thuộc, và đó là triệu chứng của những người có tuổi thơ bị tổn thương, mất mát (wounded inner child). Hành vi lụy thuộc cho thấy rằng những nhu cầu thời thơ ấu đã không được đáp ứng, và do đó người ta không thể biết mình là ai. 

John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch



Chú thích:

1. Tiền tố “co-” thường có nghĩa là “cùng” (with) hoặc “đồng” (together). Vì vậy “co-dependence” thường được dịch là “đồng phụ thuộc”. Tuy nhiên, theo từ điển Oxford, từ này có nghĩa là: “sự phụ thuộc về mặt tâm lý và tình cảm quá mức vào người bạn đời, thường là những người bị bệnh tật hay nghiện ngập cần được trợ giúp” (excessive emotional or psychological reliance on a partner, typically one with an illness or addiction who requires support). Thế nên, từ này nên được dịch là “lệ thuộc” hay “lụy thuộc” thì hợp lý hơn.

2. “Dis-ease” là cách chơi chữ của tác giả với từ “disease”, vốn có nghĩa là “bệnh tật”. Tiền tố “dis-” vốn có nghĩa là không, còn “ease” có nghĩa là “thảnh thơi”. Ở đây, có lẽ tác giá muốn nói “lụy thuộc” vừa là một nỗi bất an, vừa là một căn bệnh. 

No comments:

Post a Comment