Monday, July 14, 2014

Chứng hung hãn


Chúng ta thường nghĩ rằng tất cả những người có tuổi thơ thiếu hụt hay tổn thương đều dễ mến, trầm lặng và thụ động chịu đựng. Nhưng thực ra, họ chính là những người phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra biết bao bạo lực và tội ác trên thế giới này. Khi còn nhỏ, Hitler thường xuyên bị đánh đập. Người cha thích hành hạ khiến ông ta cảm thấy bẽ bàng, tủi nhục và tự ti. Chính bản thân cha ông cũng là đứa con ngoài giá thú của một địa chủ người Do thái. Hilter đã tái lặp lại (reenact) hình thức cực đoan nhất của sự tàn ác đó lên hàng triệu con người vô tội. 


Tôi chợt nhớ tới một thân chủ của mình, Dawson. Khi cậu ta tìm đến tôi vì những rắc rối trong hôn nhân, công việc của cậu này là nhân viên an ninh ở hộp đêm. Cậu ta kể, hồi tuần trước, đã đấm vỡ quai hàm một gã. Cậu ta rất hào hứng khi miêu rả lại việc gã đó đã khiến anh cảm thấy “ngứa mắt”, muốn đập cho một trận như thế nào. Gã tỏ ra “cứng đầu”, ương ngạnh và cứ lởn vởn xung quanh để khiêu khích, chọc tức Dawson. Trong thời gian tham vấn với tôi, cậu ta thường xuyên nói chuyện theo kiểu như vậy. Những kẻ hung hãn chẳng bao giờ chịu trách nhiệm cho hành vi của họ.

Khi chúng tôi làm việc với nhau, thì hóa ra là: Dawson hay cảm thấy sợ hãi. Khi cậu ta cảm thấy như vậy, ký ức từ thời thơ ấu lại ùa về: cha cậu đã từng dùng đòn roi đánh đập, mắng chửi cậu ra sao. Mỗi khi cha “nổi cơn tam bành”, cậu ta đều run rẩy sợ hãi. thật chẳng an tâm chút nào khi phải sống trong cảm giác lo lắng, sợ hãi như vậy. Vậy nên Dawson đã đồng hóa với cái tôi của người cha. Cậu ta trở thành cha mình. Khi bất cứ điều gì gợi nhớ lại những hình ảnh bị bạo hành thời thơ ấu xuất hiện, nó gợi lại cảm giác sợ hãi và bất lực từ hồi đó, và thế là Dawson biến thành người cha hung hãn, reo rắc cho người khác cũng chính vết thương mà cha cậu đã gây ra cho cậu.

Chứng hung hãn (offender behavior), nguồn gốc chính của mọi sự hủy hoại mà con người gây ra, là kết quả của nạn bạo hành thời thơ ấu và những tổn thương dai dẳng không được hóa giải. Đứa trẻ bị tổn thương, mất mát ngày nào lại trở thành kẻ hung hãn khi trưởng thành. Để có thể hiểu được điều này, chúng ta phải thấy ra rằng rất nhiều kiểu bạo hành trẻ em đã biến chúng thành những kẻ hung hãn. Điều này đặc biệt đúng với những trường hợp bị bạo hành về thân thể, về tình dục, hay những hành hạ về mặt cảm xúc. Nhà tâm thần học Bruno Bettelheim đã gọi tiến trình này là “đồng hóa với người hành hung” Bạo hành về mặt tình dục, thân thể và cảm xúc khiến đứa trẻ kinh hãi đến mức mà chúng không thể giữ vững tính cá nhân của mình khi bị bạo hành. Để có thể sống sót qua nỗi đau, đứa trẻ phải đánh mất đi tất cả ý thức về căn tính của mình và đồng hóa với người hành hung. Bettelheim tiến hành cuộc nghiên cứu chủ yếu với những nạn nhân trại tập trung Đức Quốc Xã.

Gần đây trong mội buổi hội thảo của tôi, một nhà trị liệu đến từ New York đã giơ tay, xin đứng dậy để kể câu chuyện của mình. Cô tự nhận mình là người Do thái và kể cho chúng tôi nghe những điều khủng khiếp mà mẹ cô đã trải qua trong trại tập trung Phát-xít. Điểm nổi bật nhất trong câu chuyện là việc mẹ cô hành xử với cô y như cách tên quản ngục Phát-xít đã hành xử với bà. Bà mẹ đã tát và chửi cô là con lợn Do thái khi cô mới được 3 tuổi.

Có lẽ nhức nhối hơn cả là những kẻ lạm dụng tình dục. Thường thì, khi còn nhỏ chính họ cũng đã bị bạo hành tình dục. Khi lạm dụng trẻ em, họ tái lặp lại các hành vi lạm dụng mà họ đã phải trải qua thời thơ ấu. 

Tuy hầu hết hành vi hung hãn đều bắt nguồn từ thời thơ ấu, nhưng không phải lúc nào nó cũng là hệ quả của sự bạo hành hay lạm dụng. Một số kẻ hung hãn là do hồi nhỏ từng được bố nuông chiều quá mức, dẫn tới hư hỏng. Lũ trẻ ấy tin rằng chúng xứng đáng được mọi người đối xử đặc biệt và chúng chẳng làm gì sai trái cả. Chúng mất hết ý thức trách nhiệm, luôn nghĩ rằng vấn đề của chúng do lỗi của người khác.

John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

No comments:

Post a Comment