Thursday, September 18, 2014

Chứng trầm cảm, chán chường, lãnh đạm


Với chứng trầm cảm dạng nhẹ nhưng dai dẳng, biểu hiện của nó là cảm giác trống rỗng vô nghĩa, đứa trẻ bị tổn thương bên trong tâm hồn cũng ảnh hưởng không tốt tới đời sống trưởng thành sau này. Trầm cảm là kết quả của việc phải chấp nhận cái tôi giả tạo, rời bỏ cái tôi chân thực của đứa trẻ [trong thời thơ ấu]. Chính sự bỏ rơi cái tôi chân thực này dẫn tới một cảm giác trống rỗng bên trong [tâm hồn]. Tôi thường gọi nó là hiện tượng “có lỗ hổng trong tâm hồn”. Khi một người đánh mất cái tôi chân thực, anh ta đánh mất sợi dây liên lạc với những cảm xúc, nhu cầu, khát khao chân thực của mình. Thay vào đó, những gì anh ta trải nghiệm là những cảm xúc mà cái tôi giả tạo đòi hỏi. Chẳng hạn, “dễ thương” là một thành tố phổ biến của cái tôi giả tạo. Một người phụ nữ dễ thương không bao giờ thể hiện ra cơn giận dữ hay nỗi ấm ức của mình. Sống với cái tôi giả tạo là lối sống “diễn kịch”. Cái tôi chân thực của họ chưa bao giờ được hiện diện. Một người trong quá trình phục hồi miêu tả nó như thế này: “Nó giống như tôi đang bên lề, nhìn cuộc đời trôi đi vậy.’ 

"Cảm thấy trống rỗng" là một dạng trầm cảm kinh niên, bởi người ta vẫn luôn than khóc cho cái tôi chân thực của mình. Tất cả những người có quá khứ bị tổn thương, thiếu hụt tình cảm đều trải qua những cơn trầm cảm dai dẳng nhẹ nhàng ở một mức độ nào đó. “Trống rỗng” ở đây cũng có nghĩa là cảm thấy vô cảm. Trong vai trò nhà tâm lý, tôi thường nghe thân chủ dạng này than vãn rằng dường như cuộc đời họ đầy buồn tẻ và vô nghĩa. Họ thấy có một cái gì đó thiếu vắng trong cuộc đời mình, và không hiểu tại sao người khác lại quá hào hứng, sôi nổi với mọi chuyện đến vậy.

Marion Woodman, cây đại thụ trong làng phân tích tâm lý theo trường phái Jung, từng kể câu chuyện về một người phụ nữ đến để được nhìn thấy Giáo hoàng khi ngài thăm Toronto. Cô ta mang theo một lô một lốc những máy móc thiết bị chụp hình để cô ta có thể chụp được một bức ảnh Giáo hoàng. Cô ta quá mải mê với những thiêt bị của mình đến mức mà chỉ có thể chụp được một bức khi Ngài đi lướt qua. Cô ta đã bỏ lỡ cơ hội tận mắt mình thấy Giáo hoàng! Khi cô ta chụp bức ảnh, người mà cô muốn được nhìn thấy có mặt ở đó, nhưng cô ta thì không. Cô ta không hiện diện trong giây phút đó, để có thể thực sự trải nghiệm nó. Khi “đứa trẻ trong tâm hồn ta” bị tổn thương, ta cảm thấy trống rỗng và chán chường. Cảm giác cuộc sống có cái gì đó không chân thực. Ta hiện diện ở đó, nhưng ta không thực sự có mặt trong đó. Sự trống rỗng này dẫn tới cảm giác đơn độc. Bởi vì ta chưa bao giờ biết mình thực sự là ai, ta chưa bao giờ được thực sự hiện diện. Và ngay cả nếu người ta ngưỡng mộ và vây quanh, ta vẫn cảm thấy đơn độc. Tôi cảm thấy như vậy trong gần hết cuộc đời mình. Tôi luôn nỗ lực để trở thành lãnh đạo trong bấy cứ nhóm hội nào mà mình tham dự. Người ta luôn bao quanh, ngưỡng mộ và tán dương tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự tương giao với bất cứ ai trong họ. Tôi còn nhớ một buổi tối khi tôi đang giảng dạy ở đại học St. Thomas. Chủ đề của tôi là “cái hiểu của Jaccques Maritain về chủ thuyết cái ác của Thomistic.” Tôi đã nói rất hay và sắc sảo. Nhưng khi tôi bước ra khỏi phòng, đám đông cử tọa đứng dậy vỗ tay hoan nô không ngừng, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác của mình lúc ấy: tôi muốn chấm dứt cảm giác trống rỗng và đơn độc của mình. Tôi muốn tự tử. Kinh nghiệm nảy cũng giải thích được chứng ích kỷ của những người có tuổi thơ bị tổn thương, Họ là những người ích kỷ. Cảm giác trống rỗng của họ giống như một chứng đau răng kinh niên. Khi một người phải chịu đựng một nỗi đau dai dẳng, tất cả những gì người đó có thể nghĩ được chỉ còn là bản thân mình. Trong vai trò nhà trị liệu, người ta thường phát điên khi phải đương đầu với cái tính ích kỷ của những thân chủ như thế. Tôi đã lưu ý với đồng nghiệp rằng tôi đi ra ngoài để hút thuốc, vậy mà vẫn có người đến nói, Tôi có thể xin anh một phút được không?”

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

3 comments:

  1. Bài này mô tả đúng vấn đề của em. Cảm ơn anh đã chia sẻ blog này. Nó giúp em hiểu về bản thân hơn.

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn bài viết rất nhiều. Bài này đã nói lên được những cảm xúc chất chứa sâu trong tâm khảm của em!

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn bài viết rất nhiều. Bài này đã nói lên được những cảm xúc chất chứa sâu trong tâm khảm của em!

    ReplyDelete