Thursday, September 11, 2014

Chứng nghiện ngập và các hành vi vô độ


Đứa trẻ bị tổn thương trong tâm hồn là nguyên nhân chính yếu gây ra chứng nghiện ngập và lối sống vô độ. Tôi nát rượu từ thời niên thiếu. Cha tôi, cũng là bợm rượu. Khi tôi còn nhỏ, ông chẳng hề hiện diện cũng như đoái hoài tới tôi. Tôi cảm thấy mình ít giá trị hơn thời gian của ông ý. Bời vì ông ý chưa bao giờ xuất hiện để làm gương về cách cư xử cho tôi, tôi chưa bao giờ gắn bó với ông ý, chưa bao giờ được trải nghiệm tình yêu thương của người cha. Do đó, tôi chưa bao giờ thực sự yêu thương mình như là đàn ông cả.

Thời niên thiếu, tôi chơi với mấy cậu choai choai cũng mồ côi cha [như tôi]. Chúng tôi uống rượu và chơi gái để chứng tỏ rằng bản lĩnh đàn ông. Từ năm 15 đến 30 tuổi, tôi nghiện rượu và ma túy. Ngày 11 tháng 12 năm 1965, tôi ngừng uống rượu. Tôi cai rượu, nhưng lối sống vô độ của tôi vẫn tiếp tục. Tôi hút thuốc lá, làm việc và ăn uống một cách vô độ. 

Tôi không nghi ngờ gì việc tôi nghiện rượu một phần là do gen di truyền. Có vẻ như có nhiều bằng chứng cho rằng chứng nghiện rượu bắt nguồn từ gen. Nhưng yếu tố di truyền không đủ để giải thích chứng nghiện rượu. Nếu đúng thế thì tất cả con cái của những kẻ nát rượu đều trở thành bợm rượu cả. Rõ ràng không phải như vậy. Cả anh và chị tôi đều không nghiện rượu. Tôi đã có 25 năm kinh nghiệm làm việc với những người nghiện rượu và ma túy, cùng với 15 năm làm việc với thanh thiếu niên lạm dụng ma túy. Chưa bao giờ tôi gặp một người nào chỉ nghiện mỗi rượu thôi cả, dù trên thực tế, có một số chất gây nghiện rất nhanh - tôi đã gặp những thanh thiếu niên trở nên nghiện nặng chỉ trong vòng hai tháng. Yếu tố phổ biến mà tôi luôn luôn tìm thấy là những tâm hồn trẻ thơ bị tổn thương, thiếu hụt tình cảm. Đó là cội rễ của tất cả các hành vi nghiện ngập/vô độ. Bằng chừng là khi tôi cai được rượu thì tôi lại chuyển sang nghiện cái khác, những thứ giúp tôi thay đổi tâm trạng. Tôi làm việc, ăn uống và hút thuốc vô độ, bởi những nhu cầu không thể thỏa mãn của đứa trẻ bị tổn thương trong tâm hồn tôi. 

Cũng giống như các đứa trẻ trong gia đình có người nghiện ngập, tôi đã bị bỏ rơi, thiếu thốn về mặt tình cảm. Đối với một đứa trẻ, bị bỏ rơi đồng nghĩa với cái chết. Để có thể đáp ứng hai nhu cầu sinh tồn căn bản nhất (cha mẹ tôi hoàn toàn bình thường và tôi được họ yêu thương, trân trọng), tôi trở thành người chồng về phương diện cảm xúc đối với mẹ tôi và người cha đối với em trai tôi. Giúp đỡ mẹ và người khác giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn. Tôi được dạy rằng cha tôi rất yêu thương tôi nhưng ông bị ốm đau bệnh tật nên không thể thể hiện ra tình thương đó; và mẹ tôi là một vị thánh nữ. Tất cả những điều này đã che giấu cảm giác mình vô giá trị mà tôi mang trong mình (một dạng mặc cảm tự ti). Cốt lõi tâm hồn tôi là tập hợp của những nhận thức hạn hẹp, những cảm xúc dồn nén, và những niềm tin sai lầm. Chúng trở thành cái “lăng kính” (filter) qua đó tôi diễn giải các kinh nghiệm mới mẻ trong đời. Sự thích ứng những năm đầu đời đó giúp tôi sống sót trong thời thơ ấu, nhưng nó lại là cái “lăng kính” tệ hại ở giai đoạn trưởng thành. Kết cục là đến tuổi 30, tôi phải nhập viện Austin State vào cuối quãng thời gian 17 năm nát rượu.

Quan niệm cho rằng đứa trẻ bị tổn thương bên trong tâm hồn là cốt lõi của các hành vi nghiện ngập/vô độ giúp chúng ta nhận diện nghiện ngập trong một bối cảnh rộng mở hơn nhiều. Nghiện ngập là một mối quan hệ bệnh lý với bất kỳ loại hình thay đổi tâm trạng nào dẫn tới những hệ quả có hại cho sức khỏe. Những chứng nghiện ngập liên quan đến đường tiêu hóa là những thứ gây ra thay đổi tâm trạng mạnh mẽ nhất. Rượu chè, ma túy và thức ăn là những hóa chất vốn có khả năng thay đổi tâm trạng. Nhưng còn có rất nhiều cách khác để thay đổi cảm xúc. Tôi muốn nói đến các dạng nghiện ngập liên quan đến hoạt động, tư duy, cảm xúc và đồ vật.

Những hoạt động gây nghiện bao gồm: làm việc, mua sắm, cờ bạc, tình dục, nghi lễ tôn giáo. Thực ra, bất cứ hoạt động nào cũng có thể được người ta dùng để thay đổi cảm xúc. Hoạt động thay đổi cảm xúc qua sự phân tán [mất tập trung]. “Liên tục suy nghĩ” là một cách rất hiệu quả để tránh né cảm xúc. Tôi đã sống trong cái đầu nhiều năm. Tôi là một giáo sư đại học. Suy nghĩ có thể là một cách để tảng lờ cảm xúc. Tất cả các chứng nghiện ngập đều có yếu tố suy nghĩ, mà người ta vẫn gọi là “ám ảnh”. 

Chính cảm xúc cũng có thể gây nghiện. Trong rất nhiều năm, tôi không ngừng nổi khùng (rageaholic). Giận dữ, thứ hàng rào bảo vệ duy nhất mà tôi biết, che giấu mặc cảm tự ti và tổn thương của tôi. Khi tôi giận dữ, tôi cảm thấy đầy mạnh mẽ và uy quyền, chứ không yếu đuối và bất lực.

Có lẽ ai cũng biết một người sống trong sợ hãi. Người sống trong sợ hãi luôn có xu hướng suy nghĩ tiêu cực về mọi thứ. Họ lo lắng về những điều nhỏ nhặt và khiến cho người khác bực mình phát điên. Một số người thường xuyên chìm đắm trong cảm giác buồn rầu. Dường như họ không còn mang trong mình nỗi niềm sầu khổ nữa, mà họ đã chính là nó. Bởi đối với họ, sầu khổ chính sự trạng thái hiện hữu của họ.

Những người mà tôi kinh hãi nhất là những người luôn tỏ ra vui vẻ. Họ là những đứa con ngoan trò giỏi luôn gắng gượng nở nụ cười. Cứ như thể nụ cười đóng băng trên khuôn mặt họ. Họ không bao giờ thấy cái gì tệ hại cả. Họ sẽ mỉm cười ngay cả khi thông báo với bạn rằng mẹ họ đã qua đời. Kỳ lạ vậy đó!

Người ta cũng có thể nghiện cả tài sản. Tiền là thứ tài sản gây nghiện phổ biến nhất. Tuy nhiên, bất cứ cái gì cũng có thể trở thành mối ám ảnh và như vậy, là nguồn gốc của sự thay đổi tâm trạng. 

Cho dù yếu tố di truyền có như thế nào, thì cốt lõi của hầu hết các chứng nghiện ngập, là đứa trẻ bị tổn thương thiếu hụt tình cảm bên trong tâm hồn. Nó luôn khát khao, thèm muốn, mà lại không thể thỏa mãn được. Người ta không cần phải mất nhiều thời gian để nhận ra đặc điểm này ở nó.

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

No comments:

Post a Comment