Monday, August 3, 2015

Mặc cảm mẫu tử giữa mẹ và con trai


Tóm tắt

Bài viết này sẽ nói về một kiểu quan hệ phổ biến: người đàn ông đóng lại “năng lực cảm nhận” do những trải nghiệm về cha mẹ trong những năm tháng đầu đời. Nguồn gốc của kiểu quan hệ này là khi một đứa bé trai cố gắng thay thế vai trò người cha để đáp ứng những nhu cầu tình cảm của người mẹ, với cái giá phải trả là bỏ qua những nhu cầu của chính nó. Song hiển nhiên là dù đã cố gắng rất nhiều, mức độ đòi hỏi của người mẹ (về mặt cảm xúc) luôn vượt mức khả năng đáp ứng của nó. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới khả năng “kết nối với cảm xúc bản thân” của đứa trẻ sau này. Đây là vấn đề mà rất nhiều người đàn ông ngày nay vướng phải.

Dẫn nhập

Các bé trai học được cách cư xử, quan hệ với phụ nữ chủ yếu là thông qua mối quan hệ với người mẹ và qua quan sát mối quan hệ giữa cha mẹ. Nếu mối quan hệ giữa cha mẹ có vấn đề mâu thuẫn hay xa cách về mặt tình cảm, mối quan hệ của bé trai với người cha cũng có thể bị ảnh hưởng. Rất có thể đứa trẻ sẽ gắn bó về mặt cảm xúc với mẹ theo hướng đóng lại năng lực cảm nhận, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự nam tính và cảm thức về một cái tôi độc lập của trẻ sau này. 

Nếu những nhu cầu tình cảm của người mẹ không được người cha đáp ứng, thì rất có thể người phụ nữ đó, một cách vô thức, sẽ cố gắng đáp ứng những nhu cầu ấy bằng cách dùng chính con trai mình như một người thay thế. Những xúc cảm thất vọng của người mẹ trong mối quan hệ với người cha, lúc này sẽ được truyền tải trọn vẹn tới đứa con trai. Đứa con trai cảm nhận sâu sắc sự thất vọng của mẹ nó với bố nó. Và để phản ứng lại những xúc cảm này, đứa con trai mong muốn và cố gắng trở thành một “người đàn ông bé nhỏ hoàn hảo” – người sẽ không làm mẹ nó thất vọng như cha nó đã từng. Trong những năm tháng đầu đời, trái tim của đứa bé trai vốn rộng mở, và lẽ tự nhiên là chúng mong muốn được trở thành “người hùng” trong mắt người mẹ, và lấp đầy sự trống trải của người mẹ với tất cả tình yêu của chúng. Chúng học được cách để làm hài lòng những bà mẹ, nhưng với cái giá phải trả là những nhu cầu của chính chúng, thì lại bị chúng phớt lờ đi.

Một hệ quả nữa là, về mặt cảm xúc, chúng rất khó gần gũi với người cha, song rất coi trọng mối liên kết đặc biệt với người mẹ khi không có sự hiện hữu của người cha. Nhưng điều này cũng có cái giá của nó. 

Đứa bé trai không nhận thức được rằng nó đang theo đuổi một nhiệm vụ bất khả thi – một nhiệm vụ mà chắc chắn nó sẽ thất bại. Sẽ là quá đáng với một đứa trẻ khi đòi hỏi nó phải đáp ứng được hoàn toàn những nhu cầu tình cảm của người mẹ. Cô ấy cần một người đàn ông trưởng thành để làm điều đó. Đứa trẻ khi ấy sẽ bị giằng xé giữa các mặt cảm xúc. Nó không thể là chính nó, nhưng cũng không thể trở thành người (mà nó nghĩ là) mẹ nó muốn nó trở thành. Hậu quả là từ khi còn rất nhỏ, đứa trẻ đã vô thức lựa chọn để trở thành người phù hợp với mong muốn của mẹ chúng, thay vì phù hợp với mong muốn của chính chúng. 

Người cha đã quá tắc trách khi đã không theo sát người mẹ để cùng đem đến cho đứa trẻ một mối liên kết lành mạnh với cha mẹ, để đứa bé trai có thể từ đó mà tiếp tục phát triển “nam tính” lành mạnh sau này. Đứa bé trai buộc phải xa rời sự nam tính nơi tự thân để có thể làm tốt vai trò của mình. Một người cha xa cách và lạnh lùng, một người mẹ luôn khát khao tình cảm, cùng với hình mẫu đàn ông trong văn hóa xã hội - tất cả những điều đó về bản chất đã khuyến khích đứa trẻ lớn lên theo cách đóng chặt trái tim lại và phớt lờ cảm xúc của chính nó đi. 

Thái độ ứng xử của người đàn ông bị "cưỡng đoạt" trái tim 

Trong cuộc sống sau này, khi đứa bé trai đã trở thành một người đàn ông trưởng thành, thái độ của anh ta rất có thể có xu hướng phát triển theo những kiểu sau: 

Anh ta cảm thấy bản thân không đủ tốt. Nếu tận sâu đáy lòng khi còn là một đứa bé, anh ta cảm thấy bản thân không đủ tốt để mẹ mình hài lòng, thì khi đã là một người đàn ông trưởng thành, anh ta cũng sẽ thấy bản thân không đủ tốt để người bạn đời hài lòng. Anh ta trở nên rất nhạy cảm với những lời phê bình và đánh giá, bởi chúng đang khiêu khích “sự nam tính” của bản thân. Anh ta cảm thấy anh ta cần trở nên hoàn hảo, và cảm thấy rất khó khăn để có thể thừa nhận sai lầm mà anh ta đã gây ra trong mối quan hệ. 

Anh ta sợ phải thấy phụ nữ thất vọng. Anh ta không thể chịu được cảnh bạn đời thất vọng, một phần bởi anh ta coi hạnh phúc của bạn đời là trách nhiệm của bản thân. Khi còn là một đứa trẻ, anh ta cho rằng nguyên nhân mẹ mình không hạnh phúc là do mình, và lúc đó anh ta tin rằng anh ta có trách nhiệm xoa dịu cảm xúc của mẹ mình bằng cách làm bà ấy hài lòng. 

Anh ta cố gắng làm phụ nữ hài lòng để khỏi xảy ra xung đột. Anh ta bỏ qua những mong muốn của bản thân để làm phụ nữ hài lòng. Phụ nữ thường sẽ nhận ra ngay lập tức khi một người đàn ông cố gắng thỏa mãn họ để tránh xung đột. Họ sẽ thấy ở đó sự giả tạo. Phụ nữ cảm thấy bị cho ra rìa khi họ nhận ra anh ta đang giấu giếm cảm xúc thực. Cô ta không thể nào nhận thấy một chút nào phản ứng mạnh mẽ của đàn ông từ phía anh ta khiến cô phải phiền lòng. Và khi đó, cô ấy cảm thấy như đang bị khước từ và bỏ rơi. Nó giống như việc anh ta hét thẳng vào mặt cô ta rằng: “em phiền nhiễu quá!” Đây lại thường là điều mà người nữ thường cảm thấy khi còn nhỏ. 

Anh ta cảm thấy quá sức chịu đựng những mong muốn của người bạn đời. Anh ta thường cảm thấy như đang bị áp lực nặng nề trong việc cố gắng đáp ứng những mong muốn của người bạn đời. Anh ta không thể bày tỏ những mong muốn của bản thân bởi những kinh nghiệm trong quá khứ dạy anh ta rằng, đừng để ý tới những mong muốn của bản thân, mà hãy chỉ cố gắng đáp ứng những mong muốn của mẹ anh ta mà thôi. Do đó, nhìn qua thì tưởng anh chàng này có rất ít mong muốn, nhưng thực chất là vì anh ta đang cố kiềm chế chúng lại. 

Anh ta bực bội trước những mong muốn của người bạn đời. Trong vô thức, anh ta cảm thấy giận dữ và khó chịu khi phải cố gắng đáp ứng những mong muốn của mẹ anh ta, và anh ta coi tất cả phụ nữ trên đời này đều giống mẹ anh ta ở một góc độ nào đó. Anh ta tin rằng anh ta đang cố gắng làm tất cả những điều cần phải làm để vun đắp mối quan hệ, và tuy bản thân anh ta thì tự thấy những việc anh ta làm chẳng có vấn đề gì cả, nhưng thực tế thì anh ta đã sai lầm. Anh ta quên không nói những chuyện quan trọng với người bạn đời, hoặc tìm cách chê bai người bạn đời hay dè bỉu mối quan hệ. Và nếu hỏi anh ta rằng sao anh lại phớt lờ người bạn đời của mình, thì có lẽ trong câu trả lời anh ta sẽ không hề nhắc đến sự oán giận của bản thân. 

Anh ta cảm thấy tội lỗi. Anh ta cảm thấy rất mâu thuẫn trong mối quan hệ với người mẹ, việc này là hệ quả của hai luồng cảm xúc trái chiều: tình yêu với người mẹ và cảm giác tiêu cực khi cho rằng người mẹ đã đòi hỏi anh ta quá nhiều. Do đó sau này khi đã trưởng thành, ngay cả với mối quan hệ hiện tại, anh ta cũng sẽ trải nghiệm nó với những cảm xúc mâu thuẫn y hệt như hồi nhỏ. Anh ta gặp khó khăn trong việc xử lý hai luồng cảm xúc “yêu”, “ghét” khi đối mặt với người bạn đời. Khi kìm giữ lại những cảm xúc “ghét”, anh ta đồng thời cũng kìm giữ lại cả những cảm xúc “yêu.” Lâu dài, anh ta cảm thấy bản thân không xứng đáng với tình yêu của người bạn đời, và muốn rời bỏ cô, như một cách bảo vệ cô khỏi “mặt tối” của chính anh ta. 

Anh ta bị ức chế, chán chường, mệt mỏi, mất hết sức sống. Anh ta kìm giữ lại những cảm xúc và năng lượng của bản thân, hoặc chuyển hóa chúng vào công việc. Những người đàn ông đè nén cảm xúc của bản thân xuống theo cách này, thường sau đó sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm ẩn tàng. 

Quá trình điều trị hàn gắn "trái tim bị cưỡng đoạt"

Tôi muốn nêu ra một vài phương hướng về cách mà các cặp vợ chồng có thể giải quyết với mặc cảm này trong quá trình tham vấn cho mốiđiều giải . Điều đầu tiên cần nói ở đây đó là chúng ta cần nhìn nhận vấn đề trên quan điểm rằng, vấn đề này nằm ở mối quan hệ giữa hai người, chứ không chỉ do một cá nhân gây ra. Do đó, chúng ta cần xem xét thái độ, hành vi và kiểu mẫu mối quan hệ của cả hai bên: cả người nam lẫn người nữ, để kết luận mức độ phù hợp giữa họ là bao nhiêu. Chúng ta cần tìm hiểu tại sao một cách vô thức, người nữ lại cảm thấy bị cuốn hút bởi người nam – ngay cả khi anh ta đã đóng chặt trái tim lại, và cô ta cần làm gì để có thể hàn gắn những trải nghiệm trước kia trong mối quan hệ gia đình của chính bản thân cô. Chúng ta có thể đặt ra câu hỏi rằng trong mối quan hệ, điều gì mà hai người đã cùng cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất? Và ta sẽ thấy rằng, so sánh một cách tương đối, việc tương tác với cả hai bên cùng lúc để xử lý “mâu thuẫn”, luôn tỏ ra có hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ tương tác với một cá nhân – một phía. 

Mục đích của bài viết này là tập trung vào những “mâu thuẫn” trong mối quan hệ của người đàn ông. Dưới đây sẽ liệt kê một vài thách thức mà anh ta có thể sẽ phải đối mặt trong quá trình đương đầu với hội chứng “trái tim bị cưỡng đoạt.” 

Anh ta nhận ra cung cách ứng xử hiện tại của bản thân hình thành từ những trải nghiệm trong quá khứ 

Trong cuộc sống gia đình xuyên suốt những năm tháng đầu đời, mỗi cá nhân dù ít hay nhiều đều có những “vấn đề mắc mớ". Ở một mức độ nào đó, sự hấp dẫn lẫn nhau giữa hai cá thể bắt nguồn từ sự tương hợp mang tính vô thức giữa hai người. (Người nam tiếp tục đóng vai "người chăm sóc", còn người nữ - thay thế bà mẹ - đóng vai người thiếu thốn, khao khát tình cảm. - ND) Thật thất vọng khi nhận ra rằng thực chất cả hai cá thể đều chỉ đang cố gắng tái hiện lại “hình ảnh gia đình trong những năm tháng đầu đời” của bản thân ở mối quan hệ hiện tại. Việc nhận ra sự thật này có thể gây tác động lớn tới cá thể nam, làm thay đổi hệ thống quan điểm và nhận thức của anh ta, bởi lúc này anh ta đã hiểu bản chất của những mối quan hệ, thực ra chỉ là một khối liên kết vô thức – thứ đang cho anh ta cơ hội để trở nên trọn vẹn, đặc biệt là về mặt cảm xúc. 

Và giờ, thay vì đổ lỗi cho người bạn đời của mình vì không giống “cha mẹ hoàn hảo của anh ta”, anh ta bắt đầu xem xét điều gì đang diễn ra, thông qua con mắt và cảm xúc đến từ quá khứ. Việc nhận diện ra mối liên hệ giữa những gì anh ta đang trải nghiệm trong mối quan hệ hiện tại và những gì anh ta từng cảm thấy trong “cuộc sống gia đình những năm tháng đầu đời” giúp anh ta “ý thức” được những gì vốn “vô thức”. Điều này sẽ giúp anh ta không còn bị ám ảnh hay bị điều khiển bởi quá khứ nữa. 

Với nhiều người đàn ông, có thể rất khó để khiến họ hiểu và công nhận rằng có sự liên hệ giữa bạn đời anh ta và mẹ anh ta. Họ không hình dung nổi liệu có gì liên quan giữa hai người đó. Họ có thể vẫn nghe bạn nói đấy, nhưng sẽ cho rằng bạn chỉ đang cố lòe họ với những “thuật ngữ tâm lý” nghe có vẻ phức tạp để làm tăng tính thuyết phục hơn thôi. Sẽ luôn tồn tại một cơ chế cố gắng bảo vệ những “hình ảnh về cha mẹ anh ta” trong tâm trí anh ta. Anh ta cần cân nhắc để hiểu rõ việc cha mẹ anh ta đã làm tốt nhất những gì họ có thể là một chuyện, còn sự thiếu thốn tình cảm trong mối quan hệ giữa họ đã gây tác động lớn tới anh ta thì lại là chuyện khác. Do đó, việc xem xét cung cách ứng xử trong những năm tháng đầu đời ảnh hưởng thế nào tới cách anh ta ứng xử với người bạn đời hiện tại là rất quan trọng. 

Anh ta kiểm soát được nỗi sợ hãi trong mình

Anh ta biết cách kiểm soát nỗi sợ hãi bị cảm xúc lấn át. Anh ta nhận ra rằng người bạn đời của anh ta mạnh mẽ (về mặt cảm xúc) hơn anh ta tưởng. Là một người hoàn toàn trưởng thành, cả về mặt tinh thần và thể xác, anh ta không cần dựa vào việc cố gắng xoa dịu cô ta để được an ổn nữa. Tất nhiên, anh ta vẫn hoàn toàn có thể cố gắng làm cho cô ấy cảm thấy hạnh phúc, miễn là anh ta hiểu rằng, khi cô ấy thất vọng, buồn chán hay lo âu thì không phải lúc nào cũng là lỗi của anh ta, và anh ta không cần phải cảm thấy mặc cảm hoặc tự trách bản thân. Anh ta không phải chịu trách nhiệm về hạnh phúc của cô ấy. (Tất nhiên, đây chỉ là một cách nói tương đối, không có nghĩa là người nam không cần cố gắng làm người nữ hạnh phúc, mà chỉ muốn nhấn mạnh là người nam không nên tự trách hoặc đổ lỗi cho bản thân khi thấy bạn đời của mình không hạnh phúc. Nguyên nhân khiến cô ấy không hạnh phúc có rất nhiều. - ND) 

Anh ta cảm nhận được cảm xúc của nàng 

Anh ta học cách lắng nghe và cảm nhận cảm xúc thực sự của cô ấy mà không coi đó là chuyện của mình. Anh ta đã biết cách phân biệt đâu là những chuyện anh ta cần chịu trách nhiệm, đâu là những chuyện thuộc về quá khứ của cô ấy. Đồng thời anh ta cũng nhận ra rằng, lắng nghe những gì cô ấy nói và cảm nhận, luôn tốt hơn là chỉ suy xét bằng lý trí mà không cảm nhận bằng cả trái tim. 

Anh ta điều chỉnh lại thái độ và hành vi của bản thân 

Anh ta nhận ra rằng người bạn đời của anh không thực sự cố ý muốn chỉ trích hay xỉa xói anh. Cô ấy chỉ muốn cảm xúc của bản thân được thừa nhận mà thôi. Cô ấy hiểu những vấn đề nào cần được chú ý trong việc duy trì mối quan hệ, và mong muốn anh ta điều chỉnh lại bản thân bằng cách nói ra những gì anh ta thực sự nghĩ và cảm thấy, hơn là suốt ngày lặp đi lặp lại cụm từ “xin lỗi” vô nghĩa và sáo rỗng để rồi sau đó vẫn chứng nào tật nấy. 

Anh ta trở nên nam tính, mạnh mẽ hơn 

Anh ta nhận ra rằng người bạn đời của anh không thể tạo ra, phá vỡ hoặc lấy đi sự nam tính (có sẵn) trong con người anh ta. Từ sự giác ngộ này, anh ta có được lòng can đảm để sẵn sàng xuất hiện bên cạnh cô và tiếp nhận cô khi cô ấy chán nản hay thất vọng. Anh ta không cần phải cố gắng bảo vệ “sự nam tính” của bản thân bởi thực chất không có gì đe dọa nó cả. Anh ta tiếp nhận sự hỗ trợ từ những người đàn ông khác để trở nên nam tính, mạnh mẽ hơn và tái kết nối tới sự nam tính trong minh. 

Anh ta tái kết nối tới cảm xúc thực sự của mình

Anh ta học được cách thể hiện cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn thực sự của bản thân. Sau nhiều lần chú ý mỗi khi “mất kết nối” với người bạn đời, anh ta trở nên thông minh và tinh tế hơn khi điều chỉnh cảm xúc, nhờ đó anh ta vẫn có thể có “khoảng nghỉ” cho riêng mình mà không khiến cho người bạn đời cảm thấy bị bỏ rơi. 

Anh ta hợp nhất được với “mặt tối” bên trong mình 

Những cảm xúc bị anh ta cố gắng kìm nén, sẽ quay lại “cắn trả” và điều khiển anh ta. Nhờ hiểu được điều này, anh ta nhận ra rằng “bản năng hoang dã giống đực / mặt tối” bên trong mình đóng vai trò rất lớn trong việc đem lại “sinh lực” và “đam mê” cho mối quan hệ. Khi anh ta thể hiện ngày càng nhiều xúc cảm của bản thân hơn, thì đồng thời cũng sẽ có càng nhiều chỗ cho cảm xúc “yêu” và “ghét” hơn. Anh ta học được cách ứng phó với tổn thương và nỗi sợ bị tổn thương. Anh ta “tái kết nối” tới cảm xúc thực sự của bản thân và rộng mở trái tim mình. Kết quả là, anh ta chấp nhận bản thân là một phần của mối quan hệ, những hành động của anh ta xuất phát từ thâm tâm chứ không còn là “sự tái hiện vô thức” cách anh ta phản ứng với mẹ mình nữa. 

Kết luận

Những cung cách ứng xử đã ăn sâu bám rễ sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức phân tích hơn. Công việc này là một quá trình lâu dài, chứ không đơn thuần chỉ là “mì ăn liền” – một “phép sửa nhanh chóng.” Quá trình tham vấn cho quan hệ mang lại cho chúng ta cơ hội để tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn những gì đang diễn ra trong mối quan hệ. Đây là một quá trình vô cùng hữu dụng trong việc nhận diện ra những cung cách ứng xử nào là kết quả của những trải nghiệm trong quá khứ, tiêu trừ sự oán giận và đưa ra cách nhìn mới về bản chất mối quan hệ. Những trải nghiệm có được khi tham gia quá trình tham vấn mối quan hệ, ví dụ như việc cùng nhau tìm ra giải pháp trong và giữa những buổi tham vấn sẽ giúp cho các cặp đôi cảm thấy gắn bó với nhau hơn, và cảm thấy dễ dàng hơn khi cùng nhau giải quyết mọi việc. 

Nhữ Duy Anh dịch

1 comment: