Tuesday, August 25, 2015

Khái niệm "mặc cảm" của Carl Jung



Mặc cảm* (Complex). Một tổ hợp những tư tưởng hay hình ảnh nhuốm màu cảm xúc. (Xem thêm mục từ Thí nghiệm liên tưởng từ vựng.)

Mặc cảm là hình ảnh của một tình huống tâm lý mang nặng cảm xúc và hơn nữa, nó hoàn toàn không tương hợp với thái độ quen thuộc của dòng ý thức.

Vương đạo (via regia) để đi vào vô thức, không phải là giấc mơ như Freud vẫn tưởng, mà lại là mặc cảm. Chính mặc cảm là vị kiến trúc sư tạo nên những giấc mơ và những chứng bệnh tâm lý. Con đường đó cũng chẳng hề vương giả, bởi con đường mà mặc cảm tỏ lộ ra cho ta là con đường đất gồ ghề, cực kỳ quanh co khúc khuỷu, chẳng mấy ai đi.

Nói một cách chính thức, mặc cảm là những tư tưởng chất chứa nhiều cảm xúc được tích tập qua bao năm tháng xung quanh một mẫu tượng (archetype), chẳng hạn là “mẹ” và “cha.” Khi mặc cảm đã được hình thành, thì cảm xúc sẽ luôn song hành cùng chúng. Lúc nào chúng cũng tương đối tự chủ. Mặc cảm can dự vào ý định của lý trí và quấy nhiễu hoạt động của dòng ý thức. Chúng gây ra trình trạng rối loạn ký ức và cản trở dòng chảy của sự liên tưởng. Chúng xuất hiện và biến mất theo quy luật của riêng chúng. Trong nhất thời, chúng có thể chiếm hữu dòng ý thức, hay một cách vô thức tác động đến lời nói và việc làm của ta. Nói tóm lại, mặc cảm hành xử như một thực thể độc lập.

Trên thực tế, mặc cảm là những “mảnh hồn” (splinter psyches). Nguyên nhân nguồn cội của chúng thường là những cái mà người ta gọi là chấn động tâm lý, tình cảm hay như những điều đại loại như vậy, làm cho một mảnh hồn nhỏ bị tách rời ra khỏi tâm thức toàn thể.

Hiển nhiên là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất hình thành nên mặc cảm làm xung đột đạo đức, vốn bắt nguồn từ việc rõ ràng người ta không thể nào khẳng định được toàn vẹn bản chất con người mình.

Ngày nay ai cũng biết rằng mọi người đều “sở hữu những mặc cảm.” Nhưng điều được ít người biết đến mà lại quan trọng hơn nhiều về mặt lý thuyết, là những mặc cảm cũng "sở hữu" chúng ta.

Jung nhấn mạnh rằng những mặc cảm tự bản chất không có gì là tiêu cực cả, chỉ có hệ quả mà chúng để lại là tiêu cực mà thôi. Cũng tương tự như việc hạt nhân và phân tử là những cấu phần vô hình tạo nên sự vật, những mặc cảm là những tổ hợp tạo dựng lên ngôi nhà tâm thức và là cội nguồn của tất cả các loại cảm xúc của con người.

Mặc cảm là những tiết điểm hay tiêu điểm của đời sống tâm lý mà ta sẽ không muốn sống thiếu chúng; quả thực, ta không nên sống mà thiếu chúng, bởi nếu không hoạt động tâm lý sẽ đi đến chỗ tịch tịnh.

Hiển nhiên là, những mặc cảm là kết quả của một loại tự ti theo ý nghĩa khái quát nhất… nhưng khi bạn có những mặc cảm thì điều đó không nhất thiết cho thấy bạn tự ti. Điều đó chỉ có nghĩa rằng một cái gì đó bất ổn, chưa được chuyển hóa, đối nghịch đang tồn tại, có thể giống như một sự trở ngại, nhưng cũng như một sự động viên, khuyến khích ta cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể, biết đâu đấy, đạt được bước tiến, hay thành tựu mới.

Ở một mức độ nào đó, cực đoan, biên kiến là điều không thể tránh khỏi, và cũng cùng với mức độ ấy, mặc cảm là cũng là điều không thể tránh khỏi.

Hệ quả tiêu cực của mặc cảm mà người ta thường hay trải qua là một sự lệch lạc, méo mó trong một hay vài chức năng tâm lý (cảm tính, lý tính, trực giác và tri giác). Chẳng hạn, thay vì đưa ra đánh giá hợp tình hợp lý và có thái độ ứng xử sao cho phù hợp, thì người ta phản ứng theo sự sai khiến của mặc cảm. Chừng nào người ta còn chưa nhận diện/ý thức được những mặc cảm của mình, thì chừng đó người ta còn có thể bị chúng chi phối.

Việc có những mặc cảm không đồng nghĩa với việc bạn bị nhiễu tâm… và việc chúng gây ra đau khổ không chứng tỏ được rằng chúng là rối loạn bệnh lý. Đau khổ không phải là bệnh tật; nó chỉ là thái cực đối lập với hạnh phúc. Một mặc cảm chỉ trở thành bệnh lý khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta không có nó.

Việc đồng hóa với một mặc cảm, đặc biệt là ẩn nam/ẩn nữ (anima/animus) và bóng âm (shadow), là nguyên nhân thường thấy của chứng nhiễu tâm. Mục tiêu của phân tích tâm lý lúc này không phải là trừ bỏ mặc cảm đó đi - giả sử rằng việc ấy có thể làm được - mà là giảm thiểu đến mức thấp nhất những hệ quả tiêu cực của nó thông qua việc nhận ra nó đóng vai trò gì trong cung cách và thái độ ứng xử của ta.

Người ta chỉ có thể thực sự thoát ra khỏi một mặc cảm khi người ta cho phép nó được giải tỏa ra một cách trọn vẹn nhất. Nói cách khác, nếu ta muốn trưởng thành hơn, ta phải quay trở về với chính mình và nốc cạn chính thứ cặn bã mà, bởi mặc cảm chi phối, ta đã tránh xa.

Nguồn: Daviđ Sharp, Jung's Lexicon, Complex
Đỗ Hoàng Tùng dịch


(*) Chữ "complex" bắt nguồn từ ngữ căn com- mang nghĩa cùng với, và ngữ căn plex mang nghĩa tết, bện kết. Vì thế, nghĩa đen của chữ này có nghĩa là xoắn kết lại với nhau. Còn nghĩa bóng là "không dễ gì phân tích." Như vậy, chữ này đồng nghĩa với chữ phức 複, vốn mang nghĩa rườm rà, phồn tạp, chồng chất. Từ đó, ta có thể dịch complex thành "phức cảm", tức một cảm xúc rắc rối, khó phân định rõ ràng. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh tâm lý học Carl Jung, ta còn có thể dịch complex thành "mặc cảm", tức một cảm xúc âm thầm, lặng lẽ (mặc 默) ngấm ngầm chi phối ta.



No comments:

Post a Comment