Monday, January 5, 2015

Tại sao dư luận thích "ném đá"?


"Ném đá" vì tự ti

Trước những nhân vật "siêu việt" được tung hô ngoài xã hội, cái tôi thường cảm thấy thua kém, xấu hổ. Vì thế, khi có dịp, nhất là đối với những sự kiện liên quan đến những nhân vật siêu việt đó, cái tôi phải hùa vào phê phán,để thấy rằng "họ hóa ra cũng thường thôi", để thấy rằng mình không thua kém họ, từ đấy cảm thấy mình có giá trị hơn. Đấy là bản năng tự vệ mà không ý thức được rằng phê phán người khác thực ra không làm cho mình cao hơn, giá trị hơn.

Người ta sợ sự siêu việt của người khác vì họ nghĩ rằng sự siêu việt đấy làm cho họ trở nên kém cỏi. Thế nên hành động đầu tiên của suy nghĩ khi chứng kiến một sự siêu việt hơn mình thường là suy nghĩ "chắc họ phải dùng một cách gian lận gì đó" và khi có dịp để chứng minh điều đó là cái tôi chung của xã hội bùng lên, nhất là ở trong một môi trường có thể thoải mái xỉ vả, hạ thấp giá trị của người khác mà (dường như) sẽ không phải chịu hậu quả gì.

"Ném đá" vì ẩn ức



Trong cuộc đời, không ai là không từng ấm ức, bực bội do bị người khác soi mói, chê bai. Nhưng vì hòa khí, nhiều khi ta ném giận vào lòng để giữ được một bộ mặt xã giao cho qua chuyện. Ta tưởng thế là xong nhưng thực ra những ẩn ức đó không mất đi, mà vẫn lẩn khuất đâu đó dưới bế mặt ý thức. Sau đó, chúng lại phối hợp với những suy nghĩ định kiến, hẹp hòi để trở thành một "cái tôi cay nghiệt" (inner critic) chuyên phê phán bản thân và người khác. Đến khi gặp thời cơ thuận lợi, chúng sẽ lại trồi lên, thường là vào lúc bạn không ngờ.



Khi là một cá nhân đơn lẻ, để có thể tồn tại và hòa nhập trong cộng đồng xã hội, ta thường đeo một cái mặt nạ (persona). Tức là, ta vừa thể hiện một số phảm chất ra mà xã hội cho phép hoặc ủng hộ, và vừa kiềm chế một số thôi thúc bản năng bị xã hội cấm đoán. Nhưng khi hòa mình trong đám đông vô danh, không ai biết bạn là ai, nhu cầu đeo mặt nạ sẽ không còn cần thiết nữa. Đó chính là dịp để những ẩn ức vốn bị kìm nén trong mình được bộc lộ ra.

Trước bất cứ "sự được coi là lệch chuẩn" hay "nghịch nhĩ" nào của những nhân vật nổi tiếng, tập hợp các "cái tôi cay nghiệt" của đám đông chộp lấy ngay "cơ hội vàng" đó để "tác oai tác quái", để trút giận. Hệ quả là hết Huyền Chip, đến Đỗ Nhật Nam trở thành nạn nhân đau thương của chúng, thay vì được nâng đỡ, góp ý một cách xây dựng để những người trẻ này có thể trưởng thành hơn.

Ngô Bá Anh & Đỗ Hoàng Tùng

1 comment: