Thursday, March 26, 2015

Vai trò của trẻ có cha mẹ nghiện ngập


Bên cạnh việc gia đình có người nghiện rượu, tình trạng nghiện ngập của bố mẹ cũng là vấn đề không nhỏ đối với tâm lý của con cái.

Nếu gia đình bạn luôn lảng tránh vấn đề này, cho rằng tình trạng nghiện ngập đó chỉ là một thói quen xấu hay do ý chí yếu ớt chứ không phải là một căn bệnh có thể "lây lan" cho cả gia đình thì đó quả là một nguy cơ lớn vì những đứa trẻ có bố mẹ nghiện ngập sẽ phải gánh vác một trong bốn vai trò sau:

Vai trò của một anh hùng trong gia đình

Đó là một đứa trẻ hết sức ngoan ngoãn và phục tùng. Nó sẽ luôn phải tạo ra những thành tích cao nhất mà nó đạt được trong mọi lĩnh vực. Thầy cô giáo và bố mẹ không bao giờ cảm thấy "có vấn đề" nơi đứa trẻ này, thậm chí nó còn trở thành niềm tự hào của gia đình và trường học.

Thực ra, rất nhiều điều những đứa trẻ ấy phải cố gắng làm lại không xuất phát từ niềm say mê của chính nó, mà chỉ đơn giản là nó muốn được người xung quanh cổ vũ, để người ta nhận ra nó, khen ngợi nó và để có thể là đứa trẻ tốt hơn mọi đứa khác.

Với những suy nghĩ và hành động kiểu ấy, đứa trẻ sẽ có vẻ gần giồng như một người lớn tý hon: nghiêm túc, trách nhiệm và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh. Nó sẽ vô cùng lo lắng trước bất kỳ lỗi lầm nào của mình, với nó, điểm 8, 9 cũng đã là một thảm họa. Nó không cho phép mình sai sót vì sai sót nghĩa là không hoàn hảo. Nó hoàn toàn không cảm thấy chính giá trị của mình, phẩm chất của mình mà chỉ cảm thấy điều đó khi được người xung quanh khen ngợi. Và thế là những người lớn trong gia đình sẽ thản nhiên đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai đứa trẻ ấy (những công việc nhà, chuyện trông nom các em nhỏ hay việc học hành...)

Khi đứa trẻ ấy lớn lên: Tinh thần sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm về mọi việc và thay cho tất cả mọi người sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời của họ. Những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ trở thành người vô cùng "ham công tiếc việc", chúng sẽ lựa chọn những người đồng hành có cảm xúc yếu đuối, bất lực thậm chí nghiện ngập, bởi chỉ những người đó mới luôn cần sự giúp đỡ, bảo bọc nương tựa. Và khi ở bên cạnh những người như thế, họ thấy mình có ý nghĩa và cần thiết. 

Vai trò của một vật hy sinh

Đó là đứa trẻ không đủ sức mạnh và khả năng để có thể nhận được những lời khen ngợi hay sự chú ý của người lớn xung quanh. Chúng ít khi được khen ngợi vì những thành tích đặc biệt, và chẳng ai chú ý đến việc động viên chúng. Nhưng, là một đứa trẻ, chúng vẫn cần được chú ý, vì thế chúng tìm đến điều đó bằng một con đường khác: chúng xấc xược, bỏ học, đánh nhau với bạn bè. Bên trong những đứa trẻ ấy luôn chất chứa sự đau đớn và cả lòng hận thù mà chúng không thể nào điều khiển nổi. Vì thế, chúng không có sức mạnh vượt qua những khó khăn mà chúng gặp phải trên đường đi.

Những đứa trẻ này rất sợ nhìn thấy hậu quả thực sự từ những hành động của mình. Thiếu thốn sự nâng đỡ cần thiết của người lớn, chúng tìm đến một cách khác để vượt qua những khó khăn của bản thân: chúng sẽ liên kết với những nhóm người mang đến cho chúng sự giúp đỡ ấy, rất nhiều đứa trẻ dạng này sẽ là con nghiện ma túy hay rượu chè và trở thành những tội phạm.

Những hành động "có vấn đề" của những đứa trẻ - vật hy sinh - thực hiện một vai trò lớn với gia đình : nó làm người ta quên lãng sự nghiện ngập của bố mẹ. Các bậc phụ huynh có thể phải lo lắng suốt ngày với việc xử lý những chuyện của chúng thay vì giải quyết những vấn đề của chính mình. Luôn luôn họ có thể đổ lỗi lên đầu vật hy sinh tội nghiệp này và có một cái cớ tuyệt vời để tìm đến những cảm xúc tiêu cực.

Khi đứa trẻ ấy lớn lên: Cứng đầu, thù địch, luôn đổ trút mọi trách nhiệm lên vai người khác, cá tính này sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai họ: họ khó thành công và không có khả năng hoàn thành những trách nhiệm của mình.

Vai trò của một chú hề

Đứa trẻ có thể sắm cho mình một cái mặt nạ chú hề: nó luôn luôn rất vui vẻ, hài hước, hay đùa giỡn làm vui cho mọi người. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự hài hước ấy cũng đúng chỗ và dần dần nó trở nên nguy hiểm với mọi người xung quanh. Đằng sau những hành động ấy của chúng là sự thiếu tự tin vào bản thân, nỗi sợ hãi xây dựng các mối quan hệ thân thiết, sợ những va chạm buồn khổ có thể xảy ra.

Đứa trẻ luôn sợ bị chế nhạo và vì thế nó quay ra chế nhạo mọi người, thậm chí chế nhạo chính bản thân và tự nghĩ rằng: "chả có gì quan trọng". Những người lớn thường phạm phải sai lầm khi nghĩ rằng với chúng đúng là "chả có gì quan trọng", dù là cười nhạo mọi người hay bị mọi người cười nhạo.

Khi bắt đầu trở thành một chú hề, đứa trẻ không bao giờ dừng chuyện đó lại được. Nếu bạn chỉ có một mình với nó, nó có thể rất nghiêm trang, nhưng chỉ cần rơi vào một nhóm bạn bè cùng tuổi là nó thay đổi ngay, bắt đầu nhạo báng người xung quanh.

Những hành động đó của đứa trẻ chính là để thoát khỏi sự căng thẳng của gia đình, để có được cảm giác thoải mái, nhẹ nhõm. Không khí gia đình càng căng thẳng, nó càng muốn "sáng tác " ra những trò hề mới để quên đi mọi chuyện. Điều đó biến thành phong cách sống của nó: khi những vấn đề nghiêm trọng xuất hiện, nó sẽ cố gắng làm dịu bớt chuyện đó bằng sự vui đùa, miễn là không phải đối diện với thực tế, không phải giải quyết chúng.

Khi đứa trẻ ấy lớn lên: Những đứa trẻ này sẽ vĩnh viễn là chú hề, chúng không bao giờ trưởng thành, chín chắn và không có khả năng xây dựng những mối quan hệ tình cảm sâu sắc

Vai trò một thiên thần bí mật

Với những đứa trẻ này, cha mẹ chúng thật thoải mái: "Dù cuộc sống có phức tạp đến đâu, chỉ cần may mắn có một đứa con như thế là đủ, chẳng phải lo lắng gì về nó, nó cứ tự lớn lên mà mình không kịp nhận ra". Đó sẽ là những đứa trẻ rất trầm lặng, rụt rè, chúng có thể ngồi một mình cả ngày với những ước mơ, tưởng tượng, không để ý đến mọi mâu thuẫn trong nhà. Nó thường có rất ít bạn bè mà có mối liên hệ mất thiết hơn với những món đồ đạc. Và, sẽ rất hiếm khi bạn phải băn khoăn với những câu hỏi như: lẽ nào nó không cần thể hiện ý nghĩ của mình? lẽ nào nó không bao giờ bất bình hay giận dữ?

Tất nhiên sự thực không phải như thế. Những đứa trẻ này cư xử như vậy chỉ vì nó luôn có cảm giác về sự hiện diện không cần thiết, không quan trọng của mình. "Chẳng ai quan tâm đến mình cả". Nó sống với tình cảm luôn sợ hãi, lo lắng rằng nếu có gì xảy ra, nó cũng chỉ có một mình trong khi cha mẹ cứ để nó sống như thế, hoàn toàn một mình, thậm chí còn tự hào về điều đó. Tài năng thực sự không bao giờ xuất hiện ở những đứa trẻ như thế, bởi chúng không chỉ không tin tưởng vào bản thân mà còn tin rằng chẳng có ai và chẳng có gì đáng quan tâm thực sự trên đời 

Khi đứa trẻ ấy lớn: Đó sẽ là những con người sống khép kín, ít có những điều thực sự cuốn hút anh ta. Trên cái nền tâm lý ấy sẽ xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, dẫn đến những căn bệnh thần kinh khác.

Tất cả những "mặt nạ" được miêu tả trên giúp cho đứa trẻ "sống sót" trong tình cảnh mà chúng rơi vào nhưng khi trưởng thành, chúng sẽ mang những vai trò ấy vào cuộc sống của mình và không thể tự thoát ra được. Vì thế, bất cứ đứa trẻ nào trong bốn loại trên, cũng cần đến sự giúp đỡ một cách hệ thống của các chuyên viên tâm lý, điều đó còn khó khăn hơn cả việc chạy chữa thói nghiện ngập của cha mẹ chúng.


Nguồn: afamily

No comments:

Post a Comment