(Nhân đọc một đoạn sách "Zarathoustra" của Nietzsche)
Tại sao cần mang roi mỗi khi đến gặp một người nào đó? Có thể nghĩ là để trừng trị người ấy. Nhưng cũng có thể là vì sợ sệt, cảm thấy nhu cầu tự bảo vệ. Những thuyết giảng về phụ nữ của Zarathoustra cho thấy ông nhìn phái yếu như một đe dọa. Phụ nữ là : bí ẩn, nguy hiểm (dù dưới dạng "trò chơi"), là cay đắng, là biểu tượng của tương lai vô định, là kẻ gây lo sợ, khi yêu, và cả khi thù ghét, và rốt cuộc, khẳng định phụ nữ phải quy thuận nam giới, phải bị khắc phục...
Bà già, với chút chế diễu, đã khuyên Zarathoustra nên đem theo một cây roi mỗi khi đến với phụ nữ! Thật vậy, trước một phụ nữ, Zarathoustra chẳng là gì cả, nếu thiếu cây roi. Ông chỉ là một khối lo lắng, sợ sệt. Phụ nữ vuột khỏi tầm hiểu biết của ông, như lời bà lão, và ông chỉ có một phương cách duy nhất để làm chủ cái thực tại đầy bất trắc ấy, là: bạo lực. Zarathoustra có thể thuyết giảng như một vị thánh, nhưng, trước một người phụ nữ, ông chỉ là một đứa trẻ con. Với cây roi giấu trong áo!
Đoạn văn này làm tôi liên tưởng đến vở kịch "Kẻ Ghét Người" của Molière. Nhân vật chính, Alceste, yêu Célimène say đắm, nhưng anh ta không thể đến với Célimène mà không gây gổ, dạy dỗ, thậm chí mắng mỏ, chửi bới nàng. Tất cả những gì làm cho Célimène được mọi người yêu mến, như : tính tình vui vẻ, bặt thiệp, kết giao rộng rãi, thích hưởng thụ cuộc đời, đều bị Alceste lên án mạnh mẽ. Alceste viện cớ ghen tuông, mặc dù Célimène đã nói với anh là điều ấy không những vô lý, mà còn bất xứng với tình yêu của nàng, vì nàng đã tỏ lộ rõ ràng cho Alceste biết mình yêu anh ta, mặc dù sự thú nhận ấy, theo nàng, "không dễ dàng chút nào" ...
Thái độ của Alceste biểu hiện lời khuyên của bà lão trong "Zarathoustra" của Nietzsche : anh luôn tìm đến Célimène với cây roi, và nấp sau đó để che dấu sự yếu kém của mình. Thật vậy, Alceste hoàn toàn yếu kém. Khi cảm thấy không khuất phục nổi người yêu, thì chàng bèn xuống nước năn nỉ : "thôi, em cứ giả vờ trung thành đi, anh sẽ tin điều ấy !" Célimène khước từ sự dối trá này, cho rằng như thế là tự hạ thấp gía trị của mình. Alceste, con người ưu việt, khinh bỉ mọi sự nhân nhượng, giả dối, lúc nào cũng sẵn sàng "giáo hóa" Célimène, rốt cuộc lại chấp nhận một sự giả dối, trong khi Célimène vẫn giữ nguyên phong thái và cách sống của mình, kể cả khi bị xã hội quanh nàng chỉ trích, ruồng bỏ.Trong đoạn văn này, chúng ta nhận thấy Nietzsche, triết gia của "phả hệ của luân lý", người gắn bó với "giá trị của giá trị", hơn là với chính những giá trị, đã tạo ra một bà lão, để trả lời lại những "giáo hóa" của nhà "hiền triết", vị "đạo sư" Zarathoustra !
Nguyễn Hoài Vân
No comments:
Post a Comment