Wednesday, July 23, 2014

Khái niệm "vô thức tập thể" của Jung



Vô thức tập thể. Một tầng cấu trúc của tâm thức con người chứa đựng những yếu tố di truyền, hoàn toàn khác biệt so với vô thức cá nhân. (Xem thêm khái niệm nguyên mẫu và hình ảnh nguyên mẫu.)

Vô thức tập thể bao gồm toàn thể di sản tâm linh từ sự tiến hóa của nhân loại, tái sinh trong cấu trúc não bộ mỗi cá nhân.

Jung xây dựng lên lý thuyết vô thức tập thể từ sự đồng thời xuất hiện khắp nơi (ubiquity) của hiện tượng tâm lý mà không thể giải thích trên nền tảng của kinh nghiệm cá nhân. Hoạt động huyễn tưởng vô thức rơi vào hai phạm trù sau: Thứ nhất, những huyễn tưởng (bao gồm cả giấc mơ) mang một đặc tính cá nhân nào đó, không nghi ngờ gì là sự hồi tưởng lại từ kinh nghiệm cá nhân, từ những sự việc đã bị quên lãng hay bị ức chế và do đó, hoàn toàn có thể giải thích được bằng ký ức cá nhân. Thứ hai, huyễn tưởng (bao gồm cả giấc mơ) mang đặc tính phi cá nhân mà ta không thể quy giản chúng thành kinh nghiệm trong quá khứ của cá nhân, và do đó không thể giải thích là một cái gì đó được thủ đắc một cách cá nhân. Không nghi ngờ gì, những huyễn tưởng này có sự tương đồng gần gũi nhất với các thể loại thần thoại (1)… Những trường hợp này nhiều đến mức mà ta buộc phải đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của một tầng tâm thức tập thể. Tôi gọi nó là vô thức tập thể. [The Psychology of the Child Archetype," CW 9i, par. 262.] 

Vô thức tập thể - trong chừng mực mà ta có thể nói chút gì đó về nó - tỏ ra chứa đựng mô-típ thần thoại hay ảnh tượng nguyên thủy, đó là lý do tại sao thần thoại của các dân tộc đều là những kẻ dẫn giải đích thực cho vô thức. Thực ra, toàn bộ các thần thoại có thể được coi như là một dạng phóng chiếu của vô thức tập thể… Do đó, chúng ta có thể nghiên cứu vô thức tập thể theo hai cách, bằng huyền thoại và bằng phân tích cá nhân. ["The Structure of the Psyche," CW 8, par. 325.]

Ta càng nhận diện được nhiều nội dung vô thức cá nhân bao nhiêu, thì tầng ảnh tượng và mô-típ đầy phong phú trong vô thức tập thể càng được hiển lộ nhiều bấy nhiêu. Hệ quả là nhân cách ta được mở rộng. Theo cách này, một cảm thức không còn bị tù túng trong thế giới cá nhân, quá mẫn cảm và nhỏ nhen, mà ung dung tự tại dự phần vào một thế giới rộng lớn hơn của những mối quan tâm khách quan, sẽ sinh khởi. Cảm thức rộng mở này không còn là tập hợp của những mong muốn, sợ hãi, hy vọng và tham cầu cá nhân đầy ích kỷ, hay tự ái nữa, những cái vẫn luôn được bù đắp hay điều chỉnh bằng những khuynh hướng đối nghịch trong vô thức; thay vào đó, cảm thức mới này là một chức năng của mối tương giao với thế giới sự vật, dẫn cá nhân vào sự hòa nhập không thể chia cắt, keo sơn và tuyệt đối với thế giới nói chung. [The Function of the Unconscious," CW 7, par. 275.]

Daryl Sharp, Jung Lexicon, Collective unconscious
Đỗ Hoàng Tùng dịch

2 comments:

  1. Cảm ơn bạn Đỗ Hoàng Tùng, bạn có nhiều bài dịch của Jung hay quá!
    Chúc bạn một năm mới nhiều hạnh phúc!

    ReplyDelete
  2. cảm ơn bạn. tài liệu rất có ích cho mình :))

    ReplyDelete